Nhiều doanh nghiệp hiện nay khi tuyển dụng người lao động là nữ thường yêu cầu họ ký cam kết không mang thai hoặc không sinh con trong những năm đầu làm việc. Vậy yêu cầu này có đúng luật hay không?
1. Doanh nghiệp có được yêu cầu lao động nữ ký cam kết không mang thai?
Doanh nghiệp có được yêu cầu lao động nữ ký cam kết không mang thai? (Ảnh minh họa)
Thiên chức của mỗi người phụ nữ là được mang thai và sinh con, đây là quyền con người của phụ nữ. Do đó, pháp luật luôn có những quy định để bảo vệ và khuyến khích người phụ nữ thực hiện thiên chức này. Tại khoản 1 Điều 10 Pháp lệnh dân số 08/2008/PL-UBTVQH12 quy định: Mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản được quyền quyết định thời gian và khoảng cách sinh con. Có nghĩa là, quyền quyết định có sinh con hay không, sinh vào thời gian nào, sẽ do các cặp vợ chồng, cá nhân định đoạt. Như vậy, người sử dụng lao động (NSDLĐ) đặt ra yêu cầu ép lao động nữ cam kết không mang thai hoặc không sinh con là đã cản trở quyền quyết định thời điểm sinh con của họ. Đã là quyền tự do định đoạt của cá nhân, đã là quyền con người và được luật pháp bảo vệ thì doanh nghiệp không được phép can thiệp, nếu can thiệp tức là đã vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Hơn nữa, một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là:
Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản.
- Đây là nội dung quy định tại khoản 1 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 -
Đồng thời, tại khoản 2 Điều 15 Bộ luật Lao động 2019 cũng đã nêu rõ về nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động:
Điều 15. Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động
1. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.
2. Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.
Có thể thấy, NSDLĐ được quyền thiết lập hợp đồng lao động và các thỏa thuận khác đối với người lao động nhưng trong trường hợp này, yêu cầu trên của NSDLĐ là hoàn toàn trái pháp luật vì nó xuất phát từ sự phân biệt giới tính đối với lao động nữ và làm hạn chế quyền lợi của họ, bởi lao động nữ mang thai sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do được hưởng nhiều chế độ từ các chính sách ưu tiên. Do đó, dù người lao động có đồng ý ký vào bản cam kết không mang thai khi làm việc thì văn bản này cũng không có giá trị pháp lý.
2. Vi phạm cam kết không mang thai, lao động nữ có bị đuổi việc?
Do bản cam kết này không có giá trị pháp lý nên lao động nữ vẫn có quyền lựa chọn thời điểm mang thai dù trước đó đã ký vào cam kết. Khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 là một trong những quy định nhằm bảo vệ thai sản cho lao động nữ mang thai, đó là không tiến hành kỷ luật người lao động nữ khi họ đang mang thai. Hơn nữa, doanh nghiệp cũng không được phép sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do người lao động đã vi phạm cam kết không kết hôn, không mang thai đã ký trước đó. Trường hợp doanh nghiệp sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì có thể sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền phạt tối đa lên đến 20.000.000 đồng theo quy định tại Điểm i, Khoản 2, Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Cụ thể:
Điều 28. Vi phạm quy định về lao động nữ và bảo đảm bình đẳng giới
...
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
i) Sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
...
Lưu ý: Mức phạt tiền theo quy định này là mức phạt dành cho cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Còn trong trường hợp doanh nghiệp thỏa thuận với lao động nữ về việc chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp lao động nữ kết hôn, mang thai, sinh con và được họ đồng ý thì đây là trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp (chấm dứt hợp đồng theo thỏa thuận).
Tóm lại, doanh nghiệp bắt ép nhân viên nữ ký cam kết không mang thai và sinh con là hành vi trái luật. Tất cả các lao động nữ đều được pháp luật bảo vệ quyền mang thai và sinh con, do đó dù có lỡ ký vào cam kết không mang thai này thì cũng không phát sinh giá trị pháp lý. Trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do họ kết hôn, mang thai hoặc sinh con được xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật và phải bồi thường theo quy định.
Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy! Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa. Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất! |