Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân tuy nhiên rất nhiều người mang tâm lý làm sao để trốn nghĩa vụ quân sự. Vậy trốn đi nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật?

1. Trốn tránh nghĩa vụ quân sự là gì?

Khoản 8, Điều 3 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi:

- Không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự;

- Lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự;

- Lệnh gọi nhập ngũ;

- Lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu.

Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là một trong các hành vi bị nghiêm cấm mà Luật nghĩa vụ quân sự quy định. Điều này cũng có nghĩa người nào có hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự là có hành vi vi phạm pháp luật.

2. Quy định xử phạt trốn nghĩa vụ quân sự

quy định xử phạt trốn nghĩa vụ quân sự

Quy định xử phạt trốn nghĩa vụ quân sự (Ảnh minh họa)

Nhiều người dân vẫn biết trốn nghĩa vụ quân sự là trái quy định tuy nhiên hầu hết đều không biết hành vi trốn nghĩa đi vụ quân sự sẽ bị gì, trốn nghĩa vụ quân sự bị phạt bao nhiêu tiền hay trốn nghĩa vụ có đi tù hay không?

2.1. Xử phạt hành chính trốn nghĩa vụ quân sự

Mức xử phạt hành chính khi trốn nhập ngũ quy định cụ thể tại Nghị định 120/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 37/2022/NĐ-CP.

Xử phạt hành chính đối với vi phạm về đăng ký nghĩa vụ quân sự

Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp luật định

- Không thực hiện đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định;

- Không đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi về chức vụ công tác, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tình trạng sức khỏe và thông tin khác có liên quan đến nghĩa vụ quân sự theo quy định;

- Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập theo quy định;

- Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng theo quy định.

Lưu ý là sau khi xử phạt thì người vi phạm bắt buộc phải tiến hành đăng ký nghĩa vụ quân sự tiếp tục.

Xử phạt hành chính đối với vi phạm quy định sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung sơ tuyển ghi trong giấy gọi sơ tuyển thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng.

Các lý do chính đáng đã được luật liệt kê rõ tại Nghị định 37/2022/NĐ-CP cụ thể:

- Người tham gia sơ tuyển nhưng bị ốm hoặc trên đường đi bị ốm, tai nạn.

- Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự gồm bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp đang bị ốm nặng.

- Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự gồm bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp chết nhưng chưa tổ chức tang lễ.

- Nhà ở của người thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc nhà ở của thân nhân người thực hiện nghĩa vụ quân sự nằm trong vùng đang bị thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn làm ảnh hưởng đến cuộc sống.

- Người thực hiện nghĩa vụ quân sự không nhận được giấy gọi sơ tuyển nghĩa vụ quân sự; kiểm tra hoặc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự; khám sức khỏe tuyển chọn sĩ quan dự bị; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi đi đào tạo sĩ quan dự bị; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu do lỗi của người hoặc cơ quan có trách nhiệm hoặc do hành vi của người khác gây khó khăn hoặc cản trở quy định tại Điều 8 Chương II Thông tư này.

- Các trường hợp ốm đau phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc bệnh viện, trạm y tế cấp xã; Trường hợp người thân chết chưa tổ chức tang lễ hay nhà trong vùng thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Lưu ý: Người vi phạm sau khi bị xử phạt hành chính vẫn buộc thực hiện sơ tuyển nghĩa vụ quân sự theo kế hoạch của Hội đồng nghĩa vụ quân sự.

Xử phạt hành chính đối với vi phạm quy định về kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự

Không có mặt đúng giờ tại địa điểm kiểm tra, khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự mà không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đến 1.200.000 đồng.

Những người thực hiện các hành vi nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự như:

- Người trốn khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự gian dối làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe;

- Đưa tiền hoặc các lợi ích vật chất khác cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sai lệch kết quả phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự;

- Cán bộ, nhân viên y tế cố ý làm sai lệch các yếu tố về sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 4.000.000 đồng.

Xử phạt hành chính vi phạm quy định về nhập ngũ

Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.500.000 đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng. Và chắc chắn người đó vẫn phải buộc chấp hành lệnh gọi nhập ngũ.

2.2. Trốn nghĩa vụ quân sự có bị phạt tù không?

Việc thực hiện nghĩa vụ quân sự vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của công dân thế nên người trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 332, Điều 333 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù giam. Cụ thể:

Đối với: Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự

Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi đề cập trên hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Còn phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

- Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

- Phạm tội trong thời chiến;

- Lôi kéo người khác phạm tội.

Đối với: Tội không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ

Người nào là quân nhân dự bị mà không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ trong trường hợp có lệnh tổng động viên, lệnh động viên cục bộ, có chiến tranh hoặc có nhu cầu tăng cường cho lực lượng thường trực của quân đội để chiến đấu bảo vệ địa phương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

 - Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

 - Lôi kéo người khác phạm tội.

Như vậy, tùy vào tính chất, mức độ mà người có hành vi trốn nghĩa vụ quân sự có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm. Chắc hẳn bài viết đã làm rõ được thắc mắc của nhiều người về việc xử lý trốn nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào thêm vui lòng liên hệ luatsu.com qua hotline 1900 633 437 để được hỗ trợ kịp thời.


Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy!

Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa.

Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất!