Luật gia và Luật sư đều là những chức danh dành cho những người đang công tác trong ngành luật. Tuy nhiên, ranh giới giữa 2 chức danh này không phải ai cũng nắm rõ. Vậy các điểm khác biệt của luật gia và luật sư là những điểm nào? Hãy cùng phân tích tại bài viết dưới đây.
1. Văn bản điều chỉnh của Luật gia và Luật sư
Luật gia: Được thực hiện theo điều lệ của Hội Luật gia Việt Nam và đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI thông qua ngày 31/12/2009 cũng như công khai thực hiện áp dụng các điều lệ, các điều khoản thực thi đối với luật gia. Việc áp dụng sẽ chiếu theo các quy định hiện hành có bổ sung điều lệ đến nay và theo các thời kỳ đại biểu quốc hội mà có sự thay đổi nhất định về các điều khoản, nhiệm vụ, chức năng của luật gia.
Luật sư: Luật Luật sư 2006; Luật Luật sư sửa đổi 2012.
2. Khái niệm Luật gia và Luật sư
Luật gia:
Nhiều ý kiến cho rằng luật gia là khái niệm trừu tượng, khó hiểu, khó hình dung và việc định nghĩa được khái niệm thực tế của Luật gia là gì thì đó là việc khá mơ hồ. Tuy nhiên không hẳn vây, luật gia là khái niệm trong ngành luật, cùng ngành với khái niệm luật sư nhưng luật gia lại mang ý nghĩa khác luật sư.
Luật gia là khái niệm nhằm chỉ tới những đối tượng là người tiến hành thực hiện tất cả các công việc có liên quan đến nghiên cứu hoạt động pháp luật, đây là một ngành nghiên cứu pháp luật hoạt động một cách hợp pháp và được sự bảo hộ của pháp luật.
Có thể hiểu một cách đơn giản, luật gia cũng là một nghề, một việc làm mà hiện nay được khá nhiều người quan tâm, nội dung công việc của luật gia không liên quan đến việc kiện tụng như luật sư mà chuyên sâu nghiên cứu đến quá trình hoạt động, cách vận hành và áp dụng pháp luật đi vào đời sống. Luật gia và luật sư đều là những ngành liên quan tới pháp luật tuy nhiên nếu xét theo trình độ thì những người làm luật gia cần trình độ cao hơn và thường thì các luật gia thường có trình độ cử nhân trở lên. Luật gia tuy làm việc liên quan đến luật pháp nhưng không sử dụng luật pháp mà tập trung vào việc nghiên cứu vận hành của luật pháp trong xã hội cũng như các hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực có liên quan đến pháp luật.
Một trong những khái niệm có liên quan tới luật gia mà được nhiều người quan tâm đó là Hội luật gia Việt Nam, đây là một trong nhiều tổ chức của Việt Nam và được phân loại thuộc tổ chức chính trị , xã hội, nghề nghiệp và được thành lập vào ngày 04/04/1955 dưới tên gọi Hội luật gia Việt Nam. Hội luật gia có tên viết tắt là VLA , hiện tại đang đặt trụ sở tại Hà Nội và được hợp pháp hóa hoạt động cũng như dưới sự bảo hộ của pháp luật và là thành viên của Mặt trận tổ quốc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tóm lại, Luật gia là những người đã và đang làm công tác pháp luật trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức văn hoá, tổ chức giáo dục, đơn vị vũ trang nhân dân
Luật sư:
Luật sư là từ ngữ dùng để gọi những người hành nghề có mối liên quan trực tiếp tới các lĩnh vực về pháp luật khi mà họ có đầy đủ mọi điều kiện tiêu chuẩn bắt buộc mà nghề đòi hỏi, điều kiện hành nghề luật sư theo một quy định của pháp luật và được tùy thuộc vào mỗi quốc gia. Luật sư sẽ là người thực hiện các dịch vụ về mặt pháp lý dựa trên yêu cầu khách hàng là các cá nhân, cơ quan, tổ chức,…
Quyền bào chữa và quyền được bảo vê quyền và lợi ích hợp pháp chính là một trong những quyền cơ bản của công dân. Mỗi công dân có quyền tự bào chữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình hoặc nhờ người khác bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đó trước tòa án. Xuất phát từ nhu cầu muốn được bảo vệ của công dân, luật sự và nghề luật sư đã ra đời và phát triển cách đây hằng trăm năm trên thế giới. Còn đối với tại Việt Nam, nghề luật sự là một trong những nghề thuộc ngành luật. Trong đó có các luật sư bằng kiến thức pháp lý của mình sẽ độc lập thực hiện các hoạt động trong phạm vi hành nghề theo quy định của pháp luật và quy chế trách nhiệm nghề nghiệp, nhằm mục đích phụng sự công lý, góp phần tích cực bảo vệ pháp chế và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Căn cứ Điều 2 Luật Luật sư năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2012 (sau đây viết tắt là Luật Luật sư): Luật sư là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của Luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
3. Tiêu chuẩn, điều kiện của Luật gia và Luật sư
Tiêu chuẩn, điều kiện của Luật gia và Luật sư (Ảnh minh họa)
Luật gia:
Công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức tốt, đã hoặc đang làm công tác pháp luật cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức văn hoá, tổ chức giáo dục, đơn vị vũ trang nhân dân với thời gian từ ba năm trở lên, tán thành điều lệ Hội đều có thể được gia nhập Hội.
Luật sư:
Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.
4. Tổ chức tham gia của Luật gia và Luật sư
Luật gia: Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức thống nhất, tự nguyện của các luật gia trong cả nước.
Luật sư: Đoàn Luật sư tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Liên Đoàn Luật sư Việt Nam là tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Không được Nhà nước hỗ trợ mà hoạt động dựa trên nguyên tắc tự trang trải bằng nguồn thu từ phí thành viên, các khoản đóng góp của thành viên và các nguồn thu hợp pháp khác theo Khoản 1 Điều 60 Luật Luật sư.
5. Quyền và nghĩa vụ của Luật gia và Luật sư
Luật gia:
- Không có chứng chỉ hành nghề, chỉ tham gia hoạt động nghề nghiệp tại Trung tâm trợ giúp pháp lý với vai trò cộng tác viên hoặc tư vấn viên, cộng tác viên tại các trung tâm tư vấn pháp luật;
- Được tham gia tố tụng trong vụ án hình sự, dân sự, hành chính, cung cấp dịch vụ pháp lý, tư vấn pháp luật theo sự phân công của Trung tâm trợ giúp pháp lý hoặc Trung tâm tư vấn pháp luật với tư cách Bào chữa viên nhân dân, Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên Trợ giúp pháp lý hoặc Tư vấn viên pháp luật;
- Không được thực hiện dịch vụ pháp lý có thu thù lao với tư cách cá nhân. Mọi hoạt động của luật gia phải thông qua nơi công tác hoặc tham gia là Trung tâm trợ giúp pháp lý hoặc Trung tâm tư vấn pháp luật.
Luật sư:
- Có chứng chỉ hành nghề, là chủ thể được tham gia tố tụng trong vụ án hình sự, dân sự, hành chính, cung cấp dịch vụ pháp lý, tư vấn pháp luật cho khách hàng với tư cách luật sư, được thỏa thuận thù lao với khách hàng trong việc cung cấp dịch vụ pháp lý (trừ vụ án hình sự phải theo quy định của Nhà nước);
- Được khuyến khích đăng ký trợ giúp pháp lý không thu thù lao hoặc làm cộng tác viên với Trung tâm trợ giúp pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật;
- Hoạt động độc lập, tự chịu trách nhiệm trong hành nghề.
6. Hoạt động và phạm vi nghề nghiệp của Luật gia và Luật sư
Luật gia: Không được thành lập các tổ chức hành nghề luật.
Các nhiệm vụ, quyền hạn căn cứ điều 3 Điều lệ Hội Luật gia: Tham gia xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật, kiến nghị với cơ quan nhà nước những vấn đề về xây dựng và thi hành pháp luật; Tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho hội viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; Tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật;…
Căn cứ Điều 2 Luật trợ giúp pháp lý 2017 nguyên tắc của trợ giúp pháp lý: Không thu tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý. Do vậy, luật gia cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý. Hoạt động dựa trên sự tự nguyện hoạt động cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân, góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Luật sư: Được thành lập tổ chức hành nghề luật sư.
Căn cứ Điều 22 Luật Luật sư, phạm vi hành nghề luật sư: Tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc là người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự; Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật; Thực hiện tư vấn pháp luật; Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật; Thực hiện dịch vụ pháp lý khác theo quy định của Luật này
Căn cứ Điều 54 Luật Luật sư: Khách hàng phải trả thù lao khi sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư. Việc nhận thù lao được thực hiện theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan
Luật sư khi cung cấp dịch vụ pháp lý được nhận thù lao.
Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy! Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa. Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất! |