Tiền giả bị cấm lưu hành tại Việt Nam nên hành vi sử dụng tiền giả là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy như thế nào là tiền giả? Sử dụng tiền giả bị phạt như thế nào? Liệu rằng người sử dụng không biết mình đang sử dụng tiền giả thì có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật?

1. Tiền giả là gì?

Theo quy định tại Điều 17 Luật Ngân hàng nhà Nước Việt Nam 2010, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 28/2013/TT-NHNN thì tiền giả là những loại tiền làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải do Ngân hàng Nhà nước tổ chức in, đúc, phát hành.

Theo đó, Điều 23 Luật Ngân hàng nhà Nước Việt Nam 2010 nghiêm cấm các hành vi làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả.

2. Như thế nào là lưu hành tiền giả?

Lưu hành tiền giả là hành vi mua đi bán lại tiền giả dưới bất kì hình thức nào như mua bán theo nghĩa thông thường, trao đổi, thanh toán bằng tiền giả (có thể kể đến một số hành vi như sử dụng tiền giả mua đồ tại siêu thị, cửa hàng, trao đổi tiền giả lấy tiền thật,…).

3. Sử dụng tiền giả bị phạt như thế nào?

sử dụng tiền giả bị phạt như thế nào

Sử dụng tiền giả bị phạt như thế nào? (Ảnh minh họa)

Theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015, hành vi xử dụng tiền giả thuộc vào hành vi lưu hành tiền giả và tùy vào mức độ, tính chất hành vi mà khung hình phạt cụ thể như sau:

- Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả có giá trị tương ứng dưới 5.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

- Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

- Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

- Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, tùy thuộc vào giá trị tiền giả tương ứng khi tiêu, mức phạt đối với tội tiêu tiền giả theo Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

4. Sử dụng tiền giả mà không biết có bị xử lý không?

Theo quy định tại Điều 10 và Điều 11 Bộ luật Hình sự 2015, việc cố ý phạm tội và vô ý phạm tội được hiểu như sau:

- Cố ý phạm tội:

  • Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra;
  • Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

- Vô ý phạm tội:

  • Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
  • Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Như vậy, nếu hành vi phạm tội với lỗi cố ý hoặc vô ý thì có thể chịu trách nhiệm hình sự theo quy định nêu trên.

Ngược lại, nếu không có lỗi khi thực hiện hành vi này thì người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tóm lại, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi sử dụng tiền giả, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chứng minh được là người có hành vi sử dụng tiền giả có lỗi (bao gồm lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý), cụ thể phải thuộc một trong các trường hợp như:

  • Nhận thức rõ hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra
  • Nhận thức rõ hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.
  • Thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
  • Không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Nếu không chứng minh được như trên, người có hành vi tiêu tiền giả không bị xử lý hình sự theo quy định của phạt luật về tội lưu hành tiền giả theo Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015.

Có thể nói vấn nạn tiền giả vẫn còn tồn tại trong xã hội, mức độ lừa đảo, làm giả ngày càng tinh vi mà mắt thường khó có thể phân biệt. Đặt biệt là bà con ở vùng nông thôn, vùng cao, ít hiểu biết về tiền giả càng không có công cụ để kiểm tra đã trở thành đối tượng cho những vụ lừa đảo hay bản thân trở thành nạn nhân trọng việc sử dụng tiền giả. Do đó pháp luật nên có chế tài nghiêm khắc hơn, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nên đào sâu và triệt phá tận gốc những đường dây sản xuất, buôn bán tiền giả như vậy mới góp phần giảm thiểu tình trạng này. Và quan trọng nhất vẫn là các cá nhân, hộ gia đình cần phải nêu cao cảnh giác, ngày nay internet phát triển mọi người có thể thông qua đó mà chọn lọc thông tin chính thống về cách phân biệt tiền giả từ đó tránh vi phạm pháp luật một cách không đáng có.


Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy!

Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa.

Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất!