Đánh ghen luôn là vấn đề mà nhiều người quan tâm, không ít những video, hình ảnh đánh ghen xuất hiện trên mạng xã hội với các hành vi như tạt axit, cắt tóc, lột quần áo của đối phương,... gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vậy hành vi đánh ghen này sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật như thế nào?
1. Đánh ghen là gì?
Đánh ghen là việc những người vợ hoặc chồng, hoặc người yêu của nhau phát hiện đối phương ngoại tình, có sự gian dối trong tình cảm, có mối quan hệ nam nữ bất chính với người khác. Đánh ghen chỉ là cách mọi người thường gọi ý chỉ những hành động bạo lực, thô bạo với người bị ghen, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự,… của người bị đánh ghen.
2. Hành vi đánh ghen bị xử phạt như thế nào?
Hành vi đánh ghen bị xử phạt như thế nào (Ảnh minh họa)
2.1. Xử phạt trách nhiệm hành chính về hành vi đánh ghen
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng, theo đó người vi phạm sẽ phải chịu phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
-
Gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 5 Điều này;
-
Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về hành vi vi phạm quy định về trật tự công cộng thì người vi phạm sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
-
Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
-
Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương;
2.2. Xử phạt trách nhiệm hình sự về hành vi đánh ghen
Căn cứ tại Điều 155 và Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm nhục người khác và tội vu khống (được thay thế bởi điểm e khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) quy định cụ thể như sau:
Điều 155: Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 156. Tội vu khống
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người đang thi hành công vụ;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vì động cơ đê hèn;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
c) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Như vậy, tùy vào tính chất mức độ của hành vi đánh ghen mà mức phạt cao nhất nếu vi phạm có thể sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 tháng và phạt tù lên đến 01 năm. Ngoài ra còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 134 Bộ Luật Hình sự 2015 về tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác như sau:
1. Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong những trường hợp sau đây:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;
b) Dùng axit sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;
h) Có tổ chức;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;
m) Có tính chất côn đồ;
n) Tái phạm nguy hiểm;
o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
2. Phạt tù từ 02 năm đến 05 năm đối với người nào phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này như đã nêu ở trên;
3. Phạt tù từ 04 năm đến 07 năm đối với người nào phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
4. Phạt tù từ 07 năm đến 12 năm đối với người nào phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này;
5. Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm đối với người nào phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người;
6. Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm chết 02 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
7. Phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với người chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe người khác.
Như vậy, nếu hành vi đánh ghen dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thì tùy vào tính chất mức độ của vụ việc mà người vi phạm sẽ phải chịu mức phạt cao nhất có thể lên đến tù chung thân.
3. Hành vi ngoại tình bị xử lý như thế nào?
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 về quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ, trong đó cấm hành vi người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Nếu vi phạm thì tùy theo mức độ và tính chất của hành vi vi phạm mà việc ngoại tình có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự
3.1. Xử phạt hành chính với hành vi ngoại tình
Tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng với mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
-
Đang có vợ hoặc đang có chồng mà còn kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
-
Đang có vợ hoặc đang có chồng mà còn chung sống như vợ chồng với người khác;
-
Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
-
Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
-
Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.
Người vi phạm hành vi này bao gồm cả người đã có vợ/chồng mà ngoại tình và người ngoại tình với người đã có vợ/chồng.
3.2. Xử lý trách nhiệm hình sự với hành vi ngoại tình
Thậm chí, người ngoại tình còn có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự 2015 với hình phạt đối với hành vi ngoại tình như sau:
1. Phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát;
b) Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.
Như vậy, nếu hành vi ngoại tình của người vợ hoặc chồng làm cho mối quan hệ hôn nhân của hai bên dẫn đến ly hôn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính rồi mà vẫn tiếp tục vi phạm, hoặc đã có quyết định của Tòa án buộc chấm dứt việc ngoại tình đó nhưng vẫn tiếp tục ngoại tình, hoặc nghiêm trọng hơn là làm cho vợ/chồng/con của một trong hai bên tự sát,.. thì không chỉ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo mà còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với mức phạt lên đến 03 năm tù.
Bài viết trên là những quy định của pháp luật về xử phạt hành vi đánh ghen. Có thể thấy đánh ghen hiệu quả nhất chính là bạn phải thu thập được chứng cứ chứng minh quan hệ ngoại tình của vợ hoặc chồng với tình nhân và tiến hành tố cáo hành vi ngoại tình. Bởi có những trường hợp việc đánh ghen dẫn đến hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.
Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy! Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa. Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất! |