Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là nội dung được nhiều người lao động quan tâm. Vậy quy định pháp luật hiện hành về các khoản tiền lương đóng bảo hiểm xã hội mới nhất như thế nào?

1. Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là gì?

Tiền lương đóng BHXH là mức lương dùng để tính mức đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó mức đóng tối thiểu là mức lương tối thiểu vùng. Mức tối đa đóng BHXH, BHYT là không quá 20 lần mức lương cơ sở. Mức đóng tối đa đối với bảo hiểm thất nghiệp là bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng.

2. Các khoản tiền lương đóng bảo hiểm xã hội

Khoản 2 Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc bao gồm những khoản:

- Mức lương;

- Phụ cấp lương;

- Các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Tuy nhiên, pháp luật có giới hạn mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối thiểu và tối đa. Như vậy, các khoản trên chính là căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

các khoản tiền lương đóng bảo hiểm xã hội

Các khoản tiền lương đóng bảo hiểm xã hội (Ảnh minh họa)

3. Cách tính tiền đóng bảo hiểm xã hội

Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động. Điểm 2.6 khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Quyết định số 595/QĐ-BHXH, mức tiền lương tháng tối thiểu và tối đa đóng bảo hiểm xã hội được quy định cụ thể như sau:

Mức lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu năm 2022

- Với người lao động làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm đóng.

- Với người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề: Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.

- Với người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

- Người lao động làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Cao hơn ít nhất 7% so mức lương làm việc ở điều kiện bình thường hoặc có độ phức tạp tương đương khi làm việc ở điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Mức lương tối thiểu vùng năm 2022 không tăng do đó mức lương đóng bảo hiểm xã hội 2022 được thực hiện theo nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Mức lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tối đa năm 2022

Khoản 3 Điều 6 của Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tối đa bằng 20 tháng lương cơ sở.

Theo quy định tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng.

Như vậy mức lương tháng cao nhất để đóng bảo hiểm xã hội năm 2022 sẽ là 20 x 1,49 = 29,8 triệu đồng/tháng.

4. Cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là một trong hai căn cứ quan trọng để tính lương hưu được quy định tại điều 62 Luật bảo hiểm xã hội 2014 và điều 9 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo đó, cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu như sau:

- Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:

Mbqtl = Tổng số tiền lương của T năm cuối đóng BHXH : (T x 12)

Trong đó:

+ Mbqtl là Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

+ T là số năm đóng BHXH được tính theo bảng sau:

Thời gian bắt đầu tham gia BHXH

Số năm cuối để tính bình quân tiền lương đóng BHXH (T)

Trước ngày 01/01/1995

5 năm

Từ 01/01/1995 đến 31/12/2000

6 năm

Từ 01/01/2001 đến 31/12/2006

8 năm

Từ 01/01/2007 đến 31/12/2015

10 năm

Từ 01/01/2016 đến 31/12/2019

15 năm

Từ 01/01/2020 đến 31/12/2024

20 năm

Từ 01/01/2025

Toàn bộ thời gian đóng BHXH

 

- Người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định:

Mbqtl = Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của các tháng đóng bảo hiểm xã hội : Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội

Trong đó:

+ Mbqtl: mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

+ Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội được điều chỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Luật bảo hiểm xã hội và khoản 2 Điều 10 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.

- Người lao động vừa có thời gian đóng BHXH theo tiền lương do người sử dụng lao động quyết định vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:

Mbqtl = (Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do NN quy định + Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH theo chế độ do NSDLĐ quyết định) : Tổng số tháng đóng BHXH

+ Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính bằng tích số giữa tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định với mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

+ Trường hợp người lao động có từ 2 giai đoạn trở lên thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định được tính như trên. Trong đó, tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định là tổng số các tháng đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định của các giai đoạn.

5. Cách tính lương bình quân BHXH 1 lần

Tùy từng trường hợp mà cách tính lương bình quân BHXH 1 lần sẽ khác nhau, cụ thể:

5.1. Trường hợp tham gia BHXH bắt buộc

Khoản 2 Điều 8 Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:

- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;

- 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

- Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH một lần được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng BHXH, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

5.2. Đối với trường hợp tham gia BHXH tự nguyện

Điều 77 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH:

- 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;

- 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

- Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

6. Tiền tăng ca có đóng BHXH không?

Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài giờ làm việc bình thường theo quy định, khi đó, người lao động được trả lương làm thêm giờ.

Như đã trình bày ở trên tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bao gồm: Mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH. Trong khi đó, tiền lương làm thêm giờ lại là khoản tiền không xác định được mức cụ thể, bởi doanh nghiệp sẽ trả lương theo thời gian làm việc thực tế, người làm nhiều được hưởng nhiều, người làm ít được hưởng ít.

Do đó, tiền lương làm thêm giờ sẽ là khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.

Vì vậy, tiền lương làm thêm giờ sẽ không phải đóng BHXH.

7. Mức lương đóng bảo hiểm thất nghiệp

Ngoài tiền đóng bảo hiểm xã hội thì hằng tháng người lao động và doanh nghiệp cũng phải trích đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Theo 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013 quy định mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội quy định như sau:

- Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;

- Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp;

- Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Mức tiền lương tối đa đóng bảo hiểm thất nghiệp được ghi nhận cụ thể tại Điều 58 Luật Việc làm 2013 :

- Người lao động theo chế độ tiền lương mà Nhà nước quy định:

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa = 20 x Lương cơ sở

- Người lao động theo chế độ tiền lương do doanh nghiệp quyết định:

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa = 20 x Lương tối thiểu vùng


Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy!

Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa.

Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

 Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất!