Thực hiện thừa kế quyền sử dụng đất là một trong những thủ tục khá phức tạp. Vậy thừa kế quyền sử dụng đất là gì? Quy định về thừa kế quyền sử dụng đất hiện nay ra sao? Thủ tục, quy trình thực hiện thừa kế quyền sử dụng đất như thế nào? Tất cả sẽ có trong bài viết này.

1. Thừa kế quyền sử dụng đất là gì?

Theo Bộ luật dân sự 2015 quy định thì có thể hiểu thừa kế quyền sử dụng đất là việc chuyển quyền sử dụng đất của người chết cho người được thừa kế theo di chúc để lại hoặc theo pháp luật.

Thường thì, chỉ những người có quan hệ thừa kế với nhau mới được thừa kế quyền sử dụng đất, trừ khi người chết có để lại di chúc muốn chuyển quyền sử dụng đất cho người ngoài tức là người không có quan hệ thừa kế.

2. Xác định di sản thừa kế là quyền sử dụng đất

Việc xác định di sản thừa kế là quyền sử dụng đất được căn cứ tại Điều 612 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác.”

Theo đó, phần tài sản chung của người chết trong tài sản chung với người khác chủ yếu gồm 03 trường hợp:

Trường hợp 1: Quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng.

Trường hợp 2: Quyền sử dụng đất là tài sản chung của hộ gia đình sử dụng đất.

Trường hợp 3: Quyền sử dụng đất của nhiều người cùng nhau góp tiền nhận chuyển nhượng mà không phải là thành viên trong hộ gia đình hoặc vợ chồng.

3. Quy định về thừa kế quyền sử dụng đất

3.1. Thừa kế quyền sử dụng đất theo di chúc

Theo khoản 2 Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015, người lập di chúc có quyền phân định phần di sản cho từng người thừa kế. Có thể hiểu rằng: người được quyền thừa kế nhà ở, đất ở bao nhiêu phụ thuộc vào nội dung của di chúc trong điều kiện di chúc đó hợp pháp.

Lưu ý: Dù di chúc hợp pháp nhưng nội dung của di chúc không thể hiện quyền hưởng di sản thừa kế hoặc có để lại di sản nhưng ít hơn 2/3 suất thừa kế nếu chia theo pháp luật thì phần được hưởng của mỗi người cần xác định lại.

Một di chúc hợp pháp thì phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
  • Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

3.2. Thừa kế quyền sử dụng đất theo pháp luật

Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền sử dụng đất được chia theo pháp luật trong trường hợp:

- Không có di chúc.

- Di chúc không hợp pháp.

- Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Ngoài ra, thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản là quyền sử dụng đất sau:

- Phần di sản không được định đoạt trong di chúc.

- Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật.

- Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Người được hưởng thừa kế theo pháp luật là người thuộc diện thừa kế và hàng thừa kế. Những người trong diện thừa kế và hàng thừa kế đã được quy định rõ tại điều 649 và 651 Bộ luật dân sự 2015.

Việc chia di sản thừa kế theo pháp luật được căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, nếu nhà đất được chia thừa kế theo pháp luật thì người thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau.

4. Thủ tục, quy trình thừa kế quyền sử dụng đất mới nhất

quy trình thừa kế quyền sử dụng đất mới nhất

Thủ tục, quy trình thừa kế quyền sử dụng đất mới nhất (Ảnh minh họa)

Quyền sử dụng đất là tài sản có đăng ký quyền sở hữu, do đó để được hưởng thừa kế loại tài sản này người thừa kế cần thực hiện thủ tục nhận thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của Bộ luật dân sự và pháp luật đất đai. Theo đó, quy trình thừa kế quyền sử dụng đất hiện nay sẽ gồm các bước sau:

4.1. Khai nhận hoặc phân chia di sản thừa kế

Bước đầu tiên trong quy trình thủ tục để nhận thừa kế quyền sử dụng đất là những người thừa kế phải tiến hành khai nhận hoặc phân chia di sản thừa kế. Tùy trường hợp mà những người thừa kế tiến hành thủ tục khai nhận di sản hoặc thủ tục phân chia di sản như sau:

  • Văn bản thỏa thuận phân chia di sản: Nếu những người thừa kế muốn quyền sử dụng đất được chia cụ thể cho từng người, mỗi người có quyền sử dụng riêng thì sẽ lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Áp dụng trong trường hợp thừa kế theo pháp luật hoặc thừa kế theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người.
  • Văn bản khai nhận di sản: Nếu những người thừa kế muốn sở hữu chung quyền sử dụng đất, cùng quản lý và sử dụng thì lập văn bản khai nhận di sản. Áp dụng trong trường hợp người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó.

Lưu ý: Nếu các bên không thể tự thỏa thuận phân chia di sản dẫn đến phát sinh tranh chấp thì phải yêu cầu Tòa án giải quyết.

4.2. Công chứng văn bản khai nhận di sản, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

Theo đó, văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc văn bản khai nhận di sản được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.

Người thừa kế phải nộp một bộ hồ sơ có các giấy tờ theo sự hướng dẫn của từng phòng công chứng, các giấy tờ đó thường là:

  • Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản
  • Giấy chứng tử của người/những người để lại di sản.
  • CMND/căn cước công dân/hộ chiếu, hộ khẩu của những người thừa kế còn sống tại thời điểm làm thủ tục.
  • Giấy chứng tử, xác nhận phần mộ, giấy xác nhận/chứng minh quan hệ của những người thừa kế đã chết tại thời điểm làm thủ tục.
  • Trường hợp thừa kế theo pháp luật: Phải có giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế.
  • Trường hợp thừa kế theo di chúc: Phải có bản sao hoặc bản gốc di chúc.
  • Trường hợp có các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế phải được thanh toán như thì cần có các giấy tờ, tài liệu liên quan về việc có nghĩa vụ tài sản, việc đã thanh toán hay chưa thanh toán các nghĩa vụ tài sản này.

4.3. Kiểm tra hồ sơ công chứng

Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

4.4. Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản

Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng. Mục đích của việc niêm yết là nhằm để xác định có hay không có tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất mà lại niêm yết ở UBND thì không hợp lý.

4.5. Đăng ký di sản là quyền sử dụng đất

Sau khi thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế hoặc phân chia di sản thừa kế, người thừa kế quyền sử dụng đất là cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai để đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất.

Hồ sơ nộp khi thực hiện chuyển quyền sử dụng đất gồm:

  • Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;
  • Văn bản về việc thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Trường hợp người thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là người duy nhất thì phải có đơn đề nghị được đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người thừa kế;
  • Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp

Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thì cấp giấy quyền hưởng di sản.

5. Phí thừa kế quyền sử dụng đất

Khi nhận được di sản thừa kế là nhà đất thì người thừa kế có nghĩa vụ nộp một số khoản phí nhất định, trừ trường hợp được miễn.

Các khoản phí thừa kế quyền sử dụng đất phải kể đến như:

5.1. Thuế thu nhập cá nhân

Căn cứ khoản 4 Điều 16 Thông tư 111/2013/TT-BTC, số thuế thu nhập cá nhân phải nộp khi nhận thừa kế bất động sản được xác định theo công thức sau:

Thuế thu nhập cá nhân = 10% x Giá trị bất động sản nhận được

Lưu ý: Chỉ những bất động sản có giá trị lớn hơn 10 triệu đồng mới phải nộp thuế.

5.2. Lệ phí trước bạ

Người nhận thừa kế khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở phải nộp lệ phí trước bạ theo công thức sau:

Lệ phí trước bạ = 0.5% x Giá trị bất động sản nhận được

5.3. Lệ phí cấp Giấy chứng nhận

Cấp quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có lệ phí là: 100.000 đồng/hồ sơ;

5.4. Phí thẩm định hồ sơ

Theo đó, phí thẩm định hồ sơ khi đăng ký biến động (chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế,…) do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành quy định nên mức thu khác nhau.


Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy!

Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa.

Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất!