Bạo lực học đường luôn được nhắc tới là vấn đề nhức nhối trong xã hội ngày nay khi chúng thường xuyên diễn ra tại các trường học. Vậy pháp luật quy định về bạo lực học đường như thế nào? Mức xử phạt cho những đối tượng có hành vi này ra sao? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây. 

1. Khái niệm về bạo lực học đường

Hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về khái niệm bạo lực học đường. Tuy nhiên, có thể hiểu hành vi bạo lực học đường là những hành vi gây tác động tiêu cực đến thể chất lẫn tinh thần của học sinh. Bạo lực học đường có thể chia thành 04 loại như sau:

(1) Bạo lực về thể chất: Đánh đập, bứt tóc, xô đẩy, trấn lột,...

(2) Bạo lực bằng lời nói: Xúc phạm, bôi nhọ, sỉ nhục nhân phẩm bằng lời nói; ra lệnh người khác làm theo ý mình; đe dọa, vu khống,...

(3) Bạo lực về tinh thần: Xa lánh, phân biệt đối xử, cô lập, tẩy chay, bêu rếu, nói xấu  xung quanh hay thậm chí là trên mạng xã hội.

(4) Bạo lực điện tử: Uy hiếp bằng các phương tiện điện tử như gọi điện, nhắn tin, đe dọa và bêu rếu người nào đó trên mạng xã hội.

Tóm lại, hành vi bạo lực học đường là hành vi gây tác động một cách cố ý đối với người khác mà hậu quả là gây tổn hại về mặt sức khỏe lẫn tinh thần của người bị hại, từ đó, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tính cách người đó trong tương lai. 

Đây là một vấn đề đáng buồn đang diễn ra thường xuyên ở nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên trong các trường học trên toàn quốc. Bởi không nhận thức được hậu quả các em có thể gây ra thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên những đối tượng này đã có những hành vi bạo lực học đường nêu trên. 

2. Pháp luật có nghiêm cấm hành vi bạo lực học đường không?

Tại Điều 37 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về những hành vi học sinh không được làm cụ thể như sau:

Điều 37. Các hành vi học sinh không được làm

1. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.

2. Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.

3. Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ.

4. Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

5. Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.

6. Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.

7. Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Theo đó, học sinh có hành vi đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường được hiểu là hành vi bạo lực học đường thì sẽ bị nghiêm cấm theo quy định tại Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT.

3. Mức xử phạt cho những đối tượng có hành vi bạo lực học đường là bao nhiêu?

mức xử phạt cho những đối tượng có hành vi bạo lực học đường là bao nhiêu

Mức xử phạt cho những đối tượng có hành vi bạo lực học đường là bao nhiêu? (Ảnh minh họa)

Những đối tượng có hành vi bạo lực học đường sẽ tùy thuộc vào mức độ vi phạm mà có mức xử lý khác nhau. Dưới đây là những hình thức xử lý hành vi bạo lực học đường theo từng mức độ.

3.1. Xử phạt theo nội quy của nhà trường

Hành vi bạo lực học đường là hành vi mà học sinh không được làm do đó sẽ bị nhà trường xử lý kỷ luật theo mức độ vi phạm dưới những phương thức sau:

  • Phê bình trước lớp, trước trường;

  • Khiển trách và thông báo về phụ huynh;

  • Cảnh cáo ghi học bạ;

  • Buộc thôi học có thời hạn;

  • Đuổi học.

3.2. Xử lý vi phạm hành chính

Pháp luật quy định người chưa thành niên có hành vi bạo lực học đường nhưng chưa đủ cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng những biện pháp xử lý hành chính đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị xử phạt mọi vi phạm hành chính bao gồm:

  • Phạt cảnh cáo: áp dụng cho người từ đủ 14 tuổi trở lên đến dưới 16 tuổi do cố ý nhưng không nghiêm trọng như là có lời nói thô bạo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của học sinh khác (Điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012);

  • Phạt tiền: áp dụng cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm và mức phạt tiền tối đa bằng ½ mức phạt áp dụng cho người thành niên. Nếu không có khả năng nộp phạt thì cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ nộp thay ( khoản 68 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi 2020).

3.3. Bồi thường thiệt hại dân sự

Hành vi bạo lực học đường cũng xâm phạm tới sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm nên có thể phải bồi thường thiệt hại dân sự do xâm phạm sức khoẻ theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Ngoài ra, còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần. Theo đó:

- Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 (của Bộ luật dân sự 2015).

- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình (Điều 586 Bộ luật dân sự 2015).

3.4. Xử lý hình sự

Theo Điều 12 Bộ luật hình sự 2015 quy định thì:

Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Theo đó những học sinh đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội sau:

 Theo Điều 104 Bộ luật hình sự quy định về Tội cố ý gây thương tích:

Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

- Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;

- Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; 

- Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm.

Ngoài ra, cũng có thể phạm tội làm nhục người khác theo Điều 121 Bộ luật hình sự 2015:

Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy!

Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa.

Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

 Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất!