Hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn là 2 loại hợp đồng được sử dụng khi mua bán hàng hóa thông qua Sở giao dịch hàng hóa. Tuy nhiên nhiều người vẫn còn mơ hồ về 2 loại hợp đồng này. Vậy cụ thể 2 loại hợp đồng này là gì?
Sở giao dịch hàng hóa là một tổ chức nghề nghiệp, có tư cách pháp nhân, nơi giao dịch, mua bán hàng hóa đã được tiêu chuẩn hóa theo quy định. Tại đây cung cấp cho các thương nhân về điều kiện vật chất, kỹ thuật để hỗ trợ cho giao dịch mua bán hàng hóa giữa các thương nhân, đồng thời giúp giảm rủi ro trong giao dịch vì những hàng hóa tại đây đều đã chuẩn hóa.
Mua bán hàng hóa thông qua Sở giao dịch hàng hóa là một hoạt động thương mại, theo đó các bên thỏa thuận thực hiện việc mua bán một lượng nhất định của một loại hàng hóa nhất định qua Sở giao dịch hàng hoá theo những tiêu chuẩn của Sở giao dịch hàng hoá với giá được thỏa thuận tại thời điểm giao kết hợp đồng và thời gian giao hàng được xác định tại một thời điểm trong tương lai.
Hợp đồng mua bán hàng hóa thông qua Sở giao dịch hàng hóa có hai loại hợp đồng, bao gồm: hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng quyền chọn.
1. Hợp đồng kỳ hạn
Khoản 2 Điều 64 Luật Thương mại 2005 quy định về khái niệm của hợp đồng kỳ hạn như sau:
Hợp đồng kỳ hạn là thỏa thuận, theo đó bên bán cam kết giao và bên mua cam kết nhận hàng hoá tại một thời điểm trong tương lai theo hợp đồng.
Hợp đồng kỳ hạn (Ảnh minh họa)
Theo đó, đây là loại hợp đồng mà trong đó các bên thỏa thuận với nhau mua một loại hàng hóa, ký kết vào thời điểm hiện tại nhưng nhận hàng và thanh toán ở tương lai theo thỏa thuận của các bên.
Theo quy định tại Điều 65 của Luật Thương mại 2005, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng kỳ hạn cụ thể như sau:
- Trường hợp người bán thực hiện việc giao hàng theo hợp đồng thì bên mua có nghĩa vụ nhận hàng và thanh toán.
- Trường hợp các bên có thoả thuận về việc bên mua có thể thanh toán bằng tiền và không nhận hàng thì bên mua phải thanh toán cho bên bán một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thoả thuận trong hợp đồng và giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện.
- Trường hợp các bên có thoả thuận về việc bên bán có thể thanh toán bằng tiền và không giao hàng thì bên bán phải thanh toán cho bên mua một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện và giá thoả thuận trong hợp đồng.
Qua những nội dung trên có thể thấy, hợp đồng kỳ hạn ít linh hoạt, vì hợp đồng ràng buộc các bên phải thực hiện nghĩa vụ mua hoặc bán của mình trong tương lai, tạo rủi ro nếu như hàng hóa đó mất giá trị trong tương lai.
2. Hợp đồng quyền chọn
Theo Khoản 3 Điều 64 Luật Thương mại 2005, khái niệm của hợp đồng quyền chọn được quy định như sau:
Hợp đồng về quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán là thỏa thuận, theo đó bên mua quyền có quyền được mua hoặc được bán một hàng hóa xác định với mức giá định trước (gọi là giá giao kết) và phải trả một khoản tiền nhất định để mua quyền này (gọi là tiền mua quyền). Bên mua quyền có quyền chọn thực hiện hoặc không thực hiện việc mua hoặc bán hàng hóa đó.
Hợp đồng quyền chọn (Ảnh minh họa)
Hợp đồng quyền chọn là hợp đồng cho phép người đã mua quyền được quyết định mua hoặc bán mà không phải chịu ràng buộc.
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng quyền chọn được quy định tại Điều 66 của Luật Thương mại 2005 như sau:
- Bên mua quyền chọn mua hoặc quyền chọn bán phải trả tiền mua quyền chọn để được trở thành bên giữ quyền chọn mua hoặc giữ quyền chọn bán. Số tiền phải trả cho việc mua quyền chọn do các bên thoả thuận.
- Bên giữ quyền chọn mua có quyền mua nhưng không có nghĩa vụ phải mua hàng hoá đã giao kết trong hợp đồng. Trường hợp bên giữ quyền chọn mua quyết định thực hiện hợp đồng thì bên bán có nghĩa vụ phải bán hàng hoá cho bên giữ quyền chọn mua. Trường hợp bên bán không có hàng hoá để giao thì phải thanh toán cho bên giữ quyền chọn mua một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thoả thuận trong hợp đồng và giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện.
- Bên giữ quyền chọn bán có quyền bán nhưng không có nghĩa vụ phải bán hàng hoá đã giao kết trong hợp đồng. Trường hợp bên giữ quyền chọn bán quyết định thực hiện hợp đồng thì bên mua có nghĩa vụ phải mua hàng hoá của bên giữ quyền chọn bán. Trường hợp bên mua không mua hàng thì phải thanh toán cho bên giữ quyền chọn bán một khoản tiền bằng mức chênh lệch giữa giá thị trường do Sở giao dịch hàng hoá công bố tại thời điểm hợp đồng được thực hiện và giá thoả thuận trong hợp đồng.
- Trường hợp bên giữ quyền chọn mua hoặc giữ quyền chọn bán quyết định không thực hiện hợp đồng trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực thì hợp đồng đương nhiên hết hiệu lực.
Có thể thấy, hợp đồng quyền chọn mang tính linh hoạt hơn so với hợp đồng kỳ hạn, giúp giảm rủi ro cho người mua hoặc bán khi hàng hóa mất đi giá trị trong tương lai.
Trên đây là những quy định về các loại hợp đồng được sử dụng trong giao dịch mua bán hàng hóa thông qua Sở giao dịch hàng hóa. Hy vọng bài viết sẽ đem lại những thông tin hữu ích cho các bạn.
Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy! Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa. Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất! |