Thực tế vẫn còn khá nhiều người nhầm lẫn giữa giấy mời và giấy triệu tập của công an. Vậy giấy mời và giấy triệu tập khác nhau như thế nào? Công an gửi giấy triệu tập có đi hay không?

1. Giấy mời dùng để làm gì?

Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc người dân khi được nhân giấy mời. Tuy nhiên có thể hiểu chung giấy mời là loại giấy được sử dụng để mời những người liên quan hoặc biết về vụ án hình sự đến để phối hợp điều tra vụ việc đồng thời thu thập thông tin để điều tra vụ án. 

Giấy mời không có giá trị bắt buộc công dân phải chấp hành, việc từ chối không đến làm việc theo giấy mời không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Chính vì thế người được mời có quyền được lựa chọn giữa đến hoặc không đến.

Tuy nhiên, nếu có thể đến thì người được mời nên có mặt để biết rõ vụ việc, bởi tính chất nghiêm trọng của vụ án có thể sẽ ảnh hưởng đến bản thân và nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra sau này. Hoặc trong trường hợp, công dân không thể đến đúng thời gian ghi trong giấy mời thì có thể làm đơn nêu lý do vắng mặt gửi đến cơ quan công an.

2. Giấy triệu tập dùng để làm gì?

Giấy triệu tập là biểu mẫu tố tụng hình sự được sử dụng trong hoạt động tố tụng hình sự nên chỉ Cơ quan điều tra hoặc Cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mới được sử dụng. 

Việc sử dụng giấy triệu tập phải đúng mục đích, đúng với đối tượng và đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định.

Trong tố tụng hình sự chỉ có Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán có thẩm quyền ký và sử dụng giấy này. Trong tố tụng dân sự, hành chính thì chỉ có Thẩm phán mới có thẩm quyền này.

Khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, các đối tượng được quy định bắt buộc phải có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập.

Như vậy, giữa giấy mời và giấy triệu tập có sự khác nhau về nghĩa vụ chấp hành, giấy mời thì công dân không bắt buộc phải đến làm việc, còn giấy triệu tập là bắt buộc công dân phải có mặt theo thủ tục tố tụng được quy định tại các Bộ luật Tố tụng. 

giấy mời và giấy triệu tập của công an khác nhau như thế nào

Giấy mời và giấy triệu tập của công an khác nhau như thế nào? (Ảnh minh họa)

3. Các đối tượng phải có mặt khi cơ quan điều tra gửi giấy triệu tập 

Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 về các đối tượng tại điều 60, 61, 62, 63, 64, 66, 65, 67, 68, 69, 70 Bộ luật này bắt buộc phải có mặt khi bị triệu tập, cụ thể:

  • Bị can: Phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã;

  • Bị cáo: Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã;

  • Bị hại: Phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;"

  • Nguyên đơn dân sự: phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

  • Bị đơn dân sự: phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

  • Người làm chứng: phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;

Ngoài ra, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người chứng kiến, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật cũng đều có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định tại Điều 65, 67, 68, 69, 70 Bộ luật này.

4. Công an gửi giấy triệu tập có bắt buộc phải đi hay không?

Khi cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố vụ án, việc phải có mặt theo giấy triệu tập là một nghĩa vụ bắt buộc đối với các đối tượng đã nếu trên. Chính vì thế, Cơ quan điều tra hoặc Cơ quan khác trong Công an nhân dân được giao nhiệm vụ có thẩm quyền ký giấy triệu tập một vụ án hình sự. Khi bị công an gửi giấy triệu tập vì một vụ án hình sự nào đó thì người được mời bắt buộc phải có mặt để làm việc. 

Nếu không đến làm việc, theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Tố tụng Hình sự về triệu tập bị can sẽ bị xử lý như trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc có biểu hiện trốn tránh thì Điều tra viên có thể ra quyết định áp giải. 

Đồng thời, người vắng mặt còn có thể sẽ bị áp dụng các biện pháp áp giải, dẫn giải hay quyết định truy nã theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự. 


Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy!

Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa.

Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

 Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất!