Khi nào nhà nước thực hiện cưỡng chế thu hồi đất? Điều kiện cưỡng chế thu hồi đất là gì? Quy trình cưỡng chế thu hồi đất ra sao? Hãy cùng Luatsu.com giải đáp vấn đề này tại bài viết dưới đây.

1. Quy định về cưỡng chế thu hồi đất theo Luật đất đai 2013 

1.1. Thế nào là cưỡng chế thu hồi đất?

Theo quy định tại Luật Đất đai 2013, Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại quyền sử dụng đất của người được Nhà nước trao quyền sử dụng đất hoặc của người sử dụng đất vi phạm pháp luật về đất đai.

Pháp luật hiện hành không có khái niệm về “cưỡng chế thu hồi đất”, tuy nhiên theo quy định của Luật Đất đai 2013 có thể hiểu đây là hoạt động của cơ quan có thẩm quyền khi có quyết định thu hồi đất mà người sử dụng đất không chấp hành quyết định thu hồi này.

1.2. Các trường hợp cưỡng chế thu hồi đất  

Theo quy định tại Điểm d, Khoản 3 Điều 69 Luật Đất đai 2013, trường hợp người có đất thu hồi đã được vận động, thuyết phục nhưng vẫn không bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì sẽ cưỡng chế thu hồi đất. Cụ thể: 

d) Trường hợp người có đất thu hồi không bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi thực hiện.

Trường hợp người có đất thu hồi đã được vận động, thuyết phục nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất và tổ chức thực hiện việc cưỡng chế theo quy định tại Điều 71 của Luật này.

1.3. Nguyên tắc cưỡng chế thu hồi đất

Các nguyên tắc cưỡng chế thu hồi đất được quy định tại Khoản 1 Điều 71 Luật Đất đai 2013, cụ thể như sau:

- Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật;

- Thời điểm bắt đầu tiến hành cưỡng chế được thực hiện trong giờ hành chính.

1.4. Điều kiện cưỡng chế thu hồi đất 

Căn cứ khoản 2 Điều 71 Luật Đất đai năm 2013, việc cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau:

- Người có đất thu hồi không chấp hành quyết định thu hồi đất sau khi UBND cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động, thuyết phục.

- Quyết định cưỡng chế thu hồi đất thực hiện quyết định thu hồi đất đã được nhà nước niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

- Quyết định cưỡng chế thu hồi đất đã có hiệu lực thi hành.

- Người bị cưỡng chế thu hồi đất đã nhận được quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất có hiệu lực thi hành. 

Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì cơ quan có thẩm quyền là UBND cấp xã lập biên bản.

Như vậy, Nhà nước chỉ được tổ chức cưỡng chế thu hồi đất khi có đủ 04 điều kiện trên. Trường hợp nhà nước cố tình vi phạm, người dân có thể thực hiện các thủ tục khiếu nại, tố cáo lên các cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu bãi bỏ quyết định thu hồi đất đó. 

2. Quy trình cưỡng chế thu hồi đất mới nhất 

quy trình cưỡng chế thu hồi đất mới nhất

Quy trình cưỡng chế thu hồi đất mới nhất (Ảnh minh họa)

2.1. Hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất

Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT, để có căn cứ cưỡng chế thu hồi đất, Phòng Tài nguyên và Môi trường lập hồ sơ cưỡng chế thu hồi đất trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất, gồm:

  • Quyết định thu hồi đất;
  • Văn bản đề nghị cưỡng chế thu hồi đất của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;
  • Báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã  nơi có đất thu hồi về quá trình  vận động, thuyết phục người có đất thu hồi theo quy định nhưng không chấp hành việc bàn giao đất cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;
  • Tờ trình kèm theo dự thảo quyết định cưỡng chế thu hồi đất theo Mẫu số 11 ban hành kèm theo Thông tư 30.

2.2. Quy trình cưỡng chế thu hồi đất

Căn cứ Khoản 4 Điều 71 Luật Đất đai năm 2013, quy trình cưỡng chế thu hồi đất được quy định như sau:

4. Trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi đất:

a) Trước khi tiến hành cưỡng chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế;

b) Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế; nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.

Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành quyết định cưỡng chế thì Ban thực hiện cưỡng chế tổ chức thực hiện cưỡng chế;

c) Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.

Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.

Như vậy, trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất bao gồm các bước sau:

Bước 1Chủ tịch UBND cấp huyện, người có thẩm quyền tiến hành quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

Bước 2Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế thu hồi đất.

Nếu người bị cưỡng chế thu hồi đất chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản. Nếu người bị cưỡng chế thu hồi đất không chấp hành quyết định cưỡng chế thì tổ chức thực hiện cưỡng chế.

Bước 3Tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất

Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế phải lập biên bản, tổ chức thực hiện bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật và thông báo cho người có tài sản nhận lại tài sản.

Lưu ý:  Thời gian (thời hạn) bàn giao đất đối với trường hợp người bị cưỡng chế thu hồi đất chấp hành quyết định cưỡng chế: chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành của người có đất bị thu hồi. 


Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy!

Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa.

Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất!