Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động khi đã hoàn thành công việc theo thỏa thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng làm ăn thuận lợi để trả lương cho nhân viên đúng hạn. Vậy công ty được phép nợ lương trong bao lâu?

1. Tiền lương là gì?

Theo quy định tại Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 thì tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.

2. Kỳ hạn trả lương cho người lao động

Theo Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định về kỳ hạn trả lương như sau:

- Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần: trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần do hai bên thỏa thuận.

- Người lao động hưởng lương theo tháng: trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Hai bên thỏa thuận về thời điểm trả lương và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.

- Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán: trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

3. Công ty được phép nợ lương trong bao lâu?

Hiện nay, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà nhiều người sử dụng lao động đã và đang đối mặt với việc doanh nghiệp khó khăn, kinh tế không ổn định. Nên việc công ty nợ lương người lao động diễn ra rất phổ biến. Điều này đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động. 

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động hoàn toàn có quyền hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động. Mặt khác, tại khoản 1 Điều 94 Bộ luật này cũng quy định người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động.

Tuy nhiên, khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người sử dụng lao động được phép nợ lương trong trường hợp sau: 

Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày;…

Như vậy, pháp luật cho phép doanh nghiệp được phép nợ lương nhân viên nếu đáp ứng đủ 02 điều kiện: (1) Vì lý do bất khả kháng; (2) Người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể thực hiện được nghĩa vụ trả lương đúng thời hạn. Thời hạn doanh nghiệp được phép nợ lương nhân viên sẽ không được chậm quá 30 ngày.  

4. Công ty có phải trả thêm tiền lãi khi nợ lương của người lao động?

công ty có phải trả thêm tiền lãi khi nợ lương của người lao động

Công ty có phải trả thêm tiền lãi khi nợ lương của người lao động? (Ảnh minh họa)

Tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định như sau:

Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Do đó, nếu doanh nghiệp trả lương cho người lao động chậm từ 15 ngày trở lên phải có trách nhiệm trả thêm tiền lãi cho người lao động cho số tiền chậm trả. Khi đó, mức lãi suất được áp dụng là lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng tại thời điểm trả lương của ngân hàng mà doanh nghiệp mở tài khoản trả lương người lao động.

5. Nợ lương nhân viên, người sử dụng lao động có bị xử phạt không?

Nhằm mục đích bảo vệ người lao động được hưởng lương xứng đáng với công sức của mình, pháp luật quy định về việc xử phạt người sử dụng lao động nếu vi phạm về nghĩa vụ trả lương cụ thể tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:

– Từ 05 – 10 triệu đồng: Vi phạm từ 01 – 10 người lao động;

– Từ 10 – 20 triệu đồng: Vi phạm từ 11 – 50 người lao động;

– Từ 20 – 30 triệu đồng: Vi phạm từ 51 – 100 người lao động;

– Từ 30 – 40 triệu đồng: Vi phạm từ 101 – 300 người lao động;

– Từ 40 – 50 triệu đồng: Vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Mức phạt này được áp dụng cho người sử dụng lao động là cá nhân. Trong trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì bị phạt gấp đôi mức phạt đối với cá nhân tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. 

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.


Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy!

Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa.

Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

 Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất!