Di chúc thể hiện mong muốn cá nhân về việc chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Thông thường di chúc được lập thành văn bản. Tuy nhiên trong một số trường hợp vẫn được lập di chúc miệng. Cụ thể sẽ có trong bài viết này.
1. Di chúc miệng là gì?
Điều 624 và 627 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thì:
- Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
- Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
- Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
Như vậy, di chúc miệng hợp pháp và đây là sự thể hiện ý chí bằng lời nói của người để lại di chúc nhằm chuyển tài sản của mình cho người đang còn sống sau khi người lập di chúc chết.
2. Di chúc miệng có hiệu lực khi nào?
Di chúc miệng có hiệu lực khi nào? (Ảnh minh họa)
Để di chúc miệng có hiệu lực phải xét đến yếu tố các trường hợp có thể lập di chúc miệng cũng như di chúc miệng được coi là hợp pháp khi nào.
2.1. Có thể lập di chúc miệng trong trường hợp nào?
Như đã trình bày ở trên thì: “Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.”
Như vậy, người để lại di chúc chỉ được lập di chúc miệng khi rơi vào các hoàn cảnh như bị cái chết đe dọa, tai nạn... mà không thể lập di chúc bằng văn bản nhưng có nguyện vọng để lại di sản cho những người thừa kế. Trên thực tế, di chúc miệng thường được lập khi một người đang trong cơn hấp hối và cho rằng mình không có khả năng qua khỏi.
2.2. Di chúc miệng hợp pháp khi nào?
Khoản 5 Điều 630 Bộ luật dân sự 2015 quy định di chúc miệng được coi là hợp pháp khi thoả mãn các điều kiện sau:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
- Người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng.
- Ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Di chúc miệng là cơ sở để xác lập quan hệ dân sự liên quan đến quyền và nghĩa vụ trong thừa kế. Chính vì thế, người lập di chúc và người làm chứng cho di chúc miệng cũng cần phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của BLDS 2015.
2.3. Điều kiện của người làm chứng cho việc lập di chúc miệng
Người làm chứng cho việc lập di chúc miệng phải đáp ứng điều kiện đối với người lập di chúc theo Điều 632 Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người:
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
3. Di chúc miệng có thể bị hủy bỏ trong trường hợp nào?
Theo khoản 2 Điều 629 BLDS 2015 quy định:
Sau 03 tháng kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Dựa vào căn cứ trên, khi người lập di chúc miệng sau 03 tháng vẫn còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.
Đồng thời, trong các trường hợp người lập di chúc miệng đủ điều kiện lập di chúc nhưng người làm chứng của người lập di chúc không đáp ứng các điều kiện theo quy định của BLDS 2015 hoặc người lập di chúc miệng và nội dung di chúc không đáp ứng các điều kiện theo quy định của BLDS 2015 thì di chúc miệng có thể bị hủy bỏ.
Như vậy, nếu đáp ứng đủ các quy định của pháp luật thì di chúc miệng có hiệu lực. Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn về vấn đề “Được lập di chúc miệng trong trường hợp nào” mà luatsu.com gửi đến anh/chị. Hy vọng bài viết hữu ích đến anh chị.
Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy! Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa. Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất! |