Pháp luật Dân sự về thừa kế quy định về quyền hưởng di sản theo pháp luật và theo di chúc. Đó cũng là hai hình thức thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành. Bài viết dưới đây Luatsu.com sẽ tổng hợp những thông tin cần thiết liên quan đến hai hình thức thừa kế trên.
1. Khái niệm về quyền thừa kế
Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền thừa kế như sau:
Điều 609. Quyền thừa kế
Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Người thừa kế không là cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc.
Theo quy định trên thì mỗi cá nhân đều có quyền định đoạt tài sản của mình bằng việc lập di chúc hoặc để lại di sản cho những người thừa kế theo pháp luật.
Khái niệm về quyền thừa kế (Ảnh minh họa)
2. Có mấy hình thức thừa kế theo quy định pháp luật Việt Nam?
Theo pháp luật Dân sự quy định, thừa kế thường được chia thành hai dạng chính là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Hai hình thức này đều là việc người mất để lại di sản của mình cho những người khác, nhưng cũng có một vài điểm khác biệt, cụ thể:
2.1. Thừa kế theo di chúc
2.1.1. Di chúc là gì?
Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.
2.1.2. Hình thức của di chúc
Theo Điều 628 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hình thức của di chúc như sau:
Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
Di chúc được lập thành văn bản bao gồm:
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng.
- Di chúc bằng văn bản có công chứng.
- Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
2.1.3. Trường hợp nào được hưởng thừa kế theo di chúc?
Thừa kế theo di chúc nghĩa là người để lại di sản trước khi mất có nguyện vọng muốn để lại di sản cho người thừa kế. Khi đó, người thừa kế phải là cá nhân còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
2.2. Thừa kế theo pháp luật
2.2.1. Thừa kế theo pháp luật là gì?
Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
2.2.2. Trường hợp nào được hưởng thừa kế theo pháp luật?
Theo quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 thì các trường hợp thừa kế theo pháp luật bao gồm:
- Không có di chúc;
- Di chúc không hợp pháp;
- Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế;
- Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng hoặc từ chối nhận di sản.
Ngoài ra, pháp luật còn quy định về trường hợp được hưởng thừa kế theo pháp luật không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con thành niên mà không có khả năng lao động.
Những người trên vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó.
2.2.3. Hàng thừa kế theo pháp luật
Theo quy định khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể về hàng thừa kế theo pháp luật, theo đó họ cùng được hưởng ngang nhau đối với di sản thừa kế mà người chết để lại
Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2.2.4. Thừa kế thế vị
Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu sẽ là người được hưởng phần di sản đó theo thừa kế thế vị; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản;
Lưu ý: Thừa kế thế vị chỉ áp dụng đối với thừa kế theo pháp luật, không áp dụng với thừa kế theo di chúc.
Bài viết trên đây đã tổng hợp những thông tin liên quan về các hình thức thừa kế theo quy định pháp luật Việt Nam. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn.
Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy! Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa. Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất! |