Việc kiểm tra thông tin nhà đất trước khi giao dịch có đang bị tranh chấp hay không là việc làm cần thiết để tránh những rủi ro xảy ra. Luatsu.com sẽ hướng dẫn cách xác định đất có tranh chấp hay không qua bài viết dưới đây.
1. Tranh chấp đất đai là gì?
Theo khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Theo đó, tranh chấp đất đai là tranh chấp xảy ra trong quan hệ đất đai khi mà các bên không xác định được ai là người có quyền sử dụng đất.
Như vậy, có thể hiểu tranh chấp đất đai rất đa dạng về chủ thể cũng như nội dung tranh chấp. Đó có thể là tranh chấp về quyền sử dụng đất, tranh chấp về tài sản gắn liền với đất hay tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính, mục đích sử dụng đất.
2. Phân loại tranh chấp đất đai hiện nay
Phân loại tranh chấp đất đai hiện nay (Ảnh minh họa)
2.1. Tranh chấp về quyền sử dụng đất
Tranh chấp về quyền sử dụng đất là tranh chấp giữa những người sử dụng với nhau về ranh giới giữa các vùng đất, đây có thể là tranh chấp về ranh giới liền kề, lối đi,… Loại tranh chấp này thường do một bên tự ý thay đổi ranh giới hoặc hai bên không xác định được với nhau về ranh giới, một số trường hợp chiếm luôn diện tích đất của người khác.
2.2. Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất
Bản chất của tranh chấp trong các trường hợp này là tranh chấp về hợp đồng dân sự cụ thể có thể là yêu cầu thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, công nhận hiệu lực của hợp đồng, tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu…
Bên cạnh đó, một loại tranh chấp khác cũng thuộc dạng này đó là tranh chấp về mục đích sử dụng đất: đây là dạng tranh chấp liên quan đến việc xác định mục đích sử dụng đất là gì; đặc biệt là tranh chấp về đất nông nghiệp với đất lâm nghiệp, giữa đất nông nghiệp với đất thổ cư trong quá trình phân bố và quy hoạch sử dụng.
2.3. Tranh chấp liên quan đến đất
Bao gồm hai loại tranh chấp về thừa kế liên quan đến đất đai và tranh chấp tài sản khi vợ chồng ly hôn:
- Tranh chấp quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn: đây là dạng tranh chấp đất hoặc tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất khi vợ chồng ly hôn hoặc giữa một bên yêu cầu ly hôn hoặc có thể xảy ra khi bố mẹ cho con đất, đến khi con ly hôn thì cha mẹ đòi lại…
- Tranh chấp về quyền thừa kế quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất: đây là dạng tranh chấp do người có quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất chết mà không để lại di chúc hoặc để lại di chúc không phù hợp với quy định của pháp luật và những người hưởng thừa kế không thỏa thuận được với nhau về phân chia thừa kế hoặc thiếu hiểu biết về pháp luật dẫn đến tranh chấp.
3. Hướng dẫn cách xác định đất có tranh chấp hay không?
Xác định tình trạng pháp lý đất đang có tranh chấp hay không ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ tranh chấp đất đai và cả người thứ ba liên quan hoặc những người đang có nhu cầu mua bán đất. Để kiểm tra đất có tranh chấp hay không thì người dân có thể sử dụng những cách như sau:
Cách 1: Liên hệ với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất hoặc liên hệ trực tiếp công chức địa chính xã, phường, thị trấn nơi có đất để hỏi xem có ai đang gửi đơn giải quyết tranh chấp hay không hoặc tranh chấp đất thực tế (tranh chấp nhưng chưa gửi đơn).
Cách 2: Liên hệ với cơ quan thi hành án dân sự để tìm hiểu xem thửa đất có liên quan đến việc thi hành bản án giải quyết tranh chấp đất đai hay không.
Cách 3: Xin thông tin đất đai tại Văn phòng/Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có thửa đất.
4. Hướng dẫn thủ tục kiểm tra đất có tranh chấp
Tại Điều 11 và Điều 12 Thông tư 34/2014/TT-BTNMT quy định hồ sơ, thủ tục xin thông tin đất đai như sau:
Bước 1: Chuẩn bị phiếu yêu cầu
- Tổ chức, cá nhân tải phiếu yêu cầu theo mẫu số 01/PYC tại Thông tư này hoặc ra xã, phường, thị trấn để xin mẫu.
- Sau khi có phiếu yêu cầu thì người dân xem và tích vào mục thông tin cần biết tại danh mục và nội dung dữ liệu cần cung cấp trên phiếu, nếu cần tổng hợp thông tin thì tích vào ô “tất cả thông tin trên”.
Bước 2: Nộp phiếu yêu cầu
- Tổ chức, cá nhân nộp phiếu tại Bộ phận một cửa cấp huyện hoặc Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện.
Bước 3: Chờ tiếp nhận và giải quyết
Khi nhận được phiếu yêu cầu hợp lệ, cơ quan cung cấp thông tin đất đai thực hiện các công việc sau:
- Cung cấp thông tin cho người có yêu cầu.
- Thông báo cho người có yêu cầu về số tiền phải nộp.
- Nếu từ chối cung cấp thông tin thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Những trường hợp không cung cấp thông tin đất đai gồm:
- Phiếu yêu cầu cung cấp dữ liệu có nội dung không rõ ràng, cụ thể.
- Phiếu yêu cầu không có chữ ký, tên, địa chỉ cụ thể của cá nhân.
- Mục đích sử dụng dữ liệu không phù hợp theo quy định pháp luật.
- Không nộp tiền, nếu thuộc trường hợp phải nộp.
Bước 4: Nhận kết quả
- Nếu phiếu yêu cầu nộp trước 15 giờ (03 giờ chiều) thì tổ chức, cá nhân nhận luôn kết quả trong ngày.
- Nếu phiếu yêu cầu nộp sau 15 giờ (03 giờ chiều) thì tổ chức, cá nhân nhận kết quả vào ngày làm việc tiếp theo.
Trên đây là những quy định về việc hướng dẫn cách xác định đất có tranh chấp hay không. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc xác định đất có tranh chấp.
Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy! Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa. Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất! |