Các chiêu trò lừa đảo hiện nay rất đa dạng, hình thức lừa đảo qua mạng xã hội thường được sử dụng như dùng giấy tờ giả mạo, giả danh người khác để chiếm đoạt tài sản của họ. Bài viết sau đây là 8 chiêu trò lừa đảo qua mạng thường gặp nhất trên mạng.

1. Các chiêu trò lừa đảo qua mạng thường gặp nhất 

1.1. Chiếm đoạt tài khoản MXH

Đối tượng lừa đảo chiếm quyền kiểm soát tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo,... của người bị hại và sử dụng tài khoản này mạo danh để nhắn tin với người thân, bạn bè, đồng nghiệp của chủ tài khoản đề nghị họ chuyển tiền, nạp tiền điện thoại theo hướng dẫn và bị chiếm đoạt số tiền.

1.2. Giả danh nhân viên cửa hàng, công ty xổ số, các nhà mạng

Đối tượng lừa đảo nhắn tin hoặc gọi điện thông báo cho nạn nhân đã trúng giải thưởng có giá trị lớn của một chương trình nào đó. Để nhận được giải thưởng này, người bị hại sẽ phải mua một sản phẩm của đối tượng lừa đảo có giá trị cao hơn giá trị ngoài thị trường hoặc yêu cầu nạn nhân chuyển trước một số tiền để nhận thưởng, sau đó sẽ chiếm đoạt số tiền này.

Hoặc bọn chúng cũng có thể sẽ yêu cầu nạn nhân đóng góp ủng hộ từ thiện, quỹ người nghèo, tàn tật bằng phương thức chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng xấu và sau đó sẽ bị chiếm đoạt số tiền đó.

1.3. Giả danh nhân viên ngân hàng

Giả danh, lợi dụng danh nghĩa của ngân hàng để gửi tin nhắn hoặc gọi điện thông báo có người chuyển tiền nhưng bị lỗi, yêu cầu người bị hại cung cấp mã số thẻ, mã OTP, sau đó đối tượng lừa đảo sẽ đăng nhập vào tài khoản và rút tiền của người bị hại.

1.4. Giả danh tuyển cộng tác viên 

Đối tượng lừa đảo giả mạo đăng tin tuyển cộng tác viên trên Facebook để xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada,.. bọn chúng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền mua hàng sau đó sẽ chuyển lại tiền gốc cộng với hoa hồng để lấy lòng tin của người bị hại, sau đó khi có những đơn hàng lớn hơn, nạn nhân đã nhận được hàng thì các đối tượng xấu này sẽ chiếm đoạt tiền và chặn liên hệ.

các chiêu trò lừa đảo qua mạng thường gặp nhất

Các chiêu trò lừa đảo qua mạng thường gặp nhất (Ảnh minh họa)

1.5. Tạo các tài khoản MXH để bán thiết bị y tế, chống dịch

Đối tượng lừa đảo sẽ tạo các tài khoản mạng xã hội và sử dụng để bán các thiết bị y tế, chống dịch rồi yêu cầu người bị hại đặt cọc hoặc thanh toán trước sau đó chúng sẽ chặn liên hệ, đổi số điện thoại để nạn nhân không liên lạc được và chiếm đoạt số tiền đã nhận được.

1.6. Mời chào tham gia đầu tư

Thông qua Facebook, Zalo và các trang mạng xã hội khác nạn nhân sẽ nhận được lời mời chào tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo với lợi nhuận cao, với lời hứa đều đặn trả lãi cho nhà đầu tư lên tới 30%/tháng, thậm chí nếu mời được người khác tham gia, tổng cộng mức lợi nhuận, nếu tính cả hoa hồng, có thể lên tới 300%/tháng. Nhưng khi lượng số tiền đã đủ lớn hoặc sàn giao dịch ngừng hoạt động (sập sàn) thì bọn chúng sẽ chiếm đoạt số tiền của người tham gia và “cao chạy xa bay”.

1.7. Giả danh công an, tòa án

Đối tượng lừa đảo giả mạo công an, tòa án gọi điện cho nạn nhân thông báo có liên quan đến vụ án hoặc bị phạt nguội do vi phạm giao thông rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Sau đó chúng sẽ chiếm đoạt số tiền đó.

1.8. Giả danh người nước ngoài

Đối tượng lừa đảo tự giới thiệu mình là người nước ngoài, liên lạc với nạn nhân để tạo mối quan hệ sau đó chúng sẽ đánh lừa nạn nhân với thông báo muốn gửi tiền, gửi quà từ nước ngoài về Việt Nam. Tuy nhiên, người bị hại muốn nhận tiền, quà phải nộp các khoản tiền như: Thuế, phí, cước vận chuyển,... vào các tài khoản ngân hàng do đối tượng xấu cung cấp.

2. Một số biện pháp phòng tránh lừa đảo qua mạng

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm, đồng thời nâng cao cảnh giác trước những chiêu trò của đối tượng lừa đảo qua mạng, bạn cần phải chủ động tìm hiểu thông tin về các chiêu trò lừa đảo đồng thời lưu ý một số biện pháp phòng tránh lừa đảo qua mạng sau đây:

  • Khuyến cáo không cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân hoặc đăng tải lên mạng xã hội;

  • Không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì;

  • Không cung cấp tên đăng nhập (username), mật khẩu truy cập/mã PIN Internet banking, mã OTP cho người khác, ngay cả khi nhận được yêu cầu từ nhân viên ngân hàng;

  • Không nhập tên đăng nhập, mật khẩu truy cập/mã PIN Internet banking, mã OTP, số tài khoản…của mình vào trang web hoặc liên kết lạ khác với những trang web chính thống của ngân hàng đã và đang sử dụng;

  • Không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội, kể là của người thân, bạn bè;

  • Trước khi chuyển tiền cho người thân hoặc bạn bè, cần gọi điện thoại cho người đó trước, xác nhận lại nội dung chuyển tiền. Cần gọi điện cho người đó trước để xác nhận nội dung chuyển tiền;

  • Cẩn trọng với các cuộc điện thoại từ số máy lạ, đặc biệt là các số máy có đầu số từ nước ngoài;

  • Không mua, bán, cho mượn Giấy chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân, tài khoản cá nhân, tài khoản ngân hàng, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, phát.

  • Không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng;

  • Tuyệt đối không được sử dụng số tiền “chuyển nhầm” vào việc chi tiêu cá nhân, chỉ nên làm việc và liên lạc với ngân hàng để giải quyết vấn đề;

  • Không để các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, sàn giao dịch ngoại hối, tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản;

  • Không nên truy cập vào các đường link lạ hoặc file không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội như Facebook, Zalo,...;

  • Thường xuyên thay đổi mật khẩu cho các tài khoản mạng xã hội;

  • Kiểm tra rõ các thông tin về tin tuyển dụng CTV việc nhẹ, lương cao, không chuyển tiền đặt cọc theo yêu cầu khi chưa xác định được phía nhà tuyển dụng có đáng tin cậy hay không.

Khi có nghi vấn liên quan đến những hành vi lừa đảo trên, bạn hãy liên hệ ngay cho cơ quan Công an gần nhất, hoặc gọi điện thoại qua đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053 - Cục Cảnh sát hình sự để được hỗ trợ kịp thời.

Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, đánh vào lòng tham mà nhiều người đã bị “sập bẫy” bởi các chiêu trò lừa đảo qua mạng của đối tượng xấu, để bảo vệ mình trước những thủ đoạn này, bạn cần phải nâng cao cảnh giác và chủ động bảo vệ tài khoản của mình để tránh mất tiền nhé.


Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy!

Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa.

Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

 Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất!