Thực tế hiện nay, tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra ngày càng phức tạp với những thủ đoạn tương đối tinh vi. Vậy pháp luật quy định xử phạt vi phạm bản quyền như thế nào?

1. Bản quyền là gì?

Theo nghĩa thông thường, bản quyền (hay còn gọi là quyền tác giả) dùng để miêu tả các quyền lợi mà tác giả có được từ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học của họ.

Khoản 2 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi, bổ sung 2009, 2019 (sau đây gọi tắt là Luật sở hữu trí tuệ) quy định: “Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu”.

Các tác phẩm được Luật sở hữu trí tuệ bảo hộ quyền tác giả bao gồm (Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ):

- Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;

- Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;

- Tác phẩm báo chí;

- Tác phẩm âm nhạc;

- Tác phẩm sân khấu;

- Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự;

- Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;

- Tác phẩm nhiếp ảnh;

- Tác phẩm kiến trúc;

- Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;

- Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;

- Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

2. Những hành vi vi phạm bản quyền

những hành vi vi phạm bản quyền

Những hành vi vi phạm bản quyền (Ảnh minh họa)

Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ quy định các hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm:

- Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học.

- Mạo danh tác giả.

- Công bố, phân phối tác phẩm mà không được phép của tác giả.

- Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được phép của đồng tác giả đó.

- Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

- Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật này.

- Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 của Luật này.

- Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 25 của Luật này.

- Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao và quyền lợi vật chất khác cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

- Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

- Xuất bản tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

- Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

- Cố ý xóa, thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.

- Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình.

- Làm và bán tác phẩm mà chữ ký của tác giả bị giả mạo.

- Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

3. Xử phạt vi phạm bản quyền

Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ: Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền tác giả của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Có được kiện vi phạm bản quyền?

Chủ sở hữu quyền tác giả khi phát hiện có hành vi xâm phạm đến quyền tác giả của mình có thể áp dụng các biện pháp sau (Khoản 1 Điều 198 Luật sở hữu trí tuệ):

- Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả;

- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

- Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Khi khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án có thể áp dụng các biện pháp dân sự sau đây (Điều 202 Luật sở hữu trí tuệ):

- Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;

- Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

- Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

- Buộc bồi thường thiệt hại;

- Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, Tòa án có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời sau đây (Điều 207 Luật sở hữu trí tuệ): Thu giữ; Kê biên; Niêm phong; Cấm thay đổi hiện trạng; Cấm di chuyển; Cấm chuyển dịch quyền sở hữu.

Xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm bản quyền

Người nào có hành vi vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 131/2013/NĐ-CP.

Một số hành vi vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan thường thấy như:

- Hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm (Điều 10 Nghị định 131/2013/NĐ-CP): biểu hiện bởi hành vi tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm, xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Mức xử phạt có thể từ 3.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

- Hành vi xâm phạm quyền cho phép biểu diễn tác phẩm trước công chúng (Điều 13 Nghị định 131/2013/NĐ-CP): biểu hiện bởi hành vi biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng, biểu diễn tác phẩm thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định. Mức xử phạt có thể từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng và buộc dỡ bỏ các bản sao bản ghi âm, ghi hình.

- Hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng (Điều 17 Nghị định 131/2013/NĐ-CP): biểu hiện bởi hành vi truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định. Mức xử phạt có thể từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm.

- Hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm (Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP): biểu hiện bởi hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Mức xử phạt có thể từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng và buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Bên cạnh đó, đối với cùng một hành vi vi phạm, khung phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần khung phạt tiền đối với cá nhân.

Xử lý trách nhiệm hình sự

Ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính, hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan tuỳ theo mức độ còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Đối với cá nhân, mức xử phạt nhẹ nhất là bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Nặng nhất là bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt bổ sung là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Mức xử phạt nhẹ nhất là bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng. Nặng nhất là bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm. Ngoài ra, có thể phạt bổ sung số tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

4. Ví dụ về vi phạm bản quyền

Hành vi xâm phạm bản quyền xảy ra tương đối nhiều ở nước ta. Mặc dù pháp luật có quy định rõ ràng tuy nhiên mức độ răn đe vẫn còn nhẹ. Một hành vi đơn cử như xâm phạm bản quyền đó là: Quán photocopy có hành vi photo giáo trình, tài liệu, sách tham khảo,… để bán là hành vi bị coi là vi phạm quyền tác giả đối với những tài liệu này.

Một ví dụ khác về vi phạm bản quyền hình ảnh đó là: Hành vi quay lén và tung nhiều trích đoạn lên mạng xã hội phim hài hành động “Lộ mặt” vào tháng 06/2018 khi không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả của bộ phim này lên mạng xã hội để lưu giữ hoặc chia sẻ cho người khác

5. Hậu quả của vi phạm bản quyền

Quả thật, xâm phạm bản quyền gây thiệt hại lớn cho chủ sở hữu tác phẩm. Thứ nhất là thiệt hại về vật chất, tác giả khi bị xâm phạm bản quyền phải đối mặt với các tổn thất đơn cử như: tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại. Thứ hai là thiệt hại về tinh thần, đó là những tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, người biểu diễn, tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng.

Việc xác định hậu quả của vi phạm là một trong những điều kiện cần để đánh giá mức độ vi phạm và mức bồi thường của bên vi phạm với chủ sở hữu quyền.

Trên đây là toàn bộ thông tin về “Quy định xử phạt vi phạm bản quyền mới nhất”. Hy vọng bài viết hữu ích đến bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì vui lòng liên hệ với chúng tôi qua website: luatsu.com hoặc hotline: 1900 633 437.


Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy!

Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa.

Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất!