Tình trạng cha/mẹ không thực hiện cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn không phải là chuyện hiếm gặp. Bài viết hôm nay sẽ tổng hợp những quy định pháp luật về trợ cấp nuôi con sau ly hôn và quyền được yêu cầu cấp dưỡng nuôi con mà mọi người cần nắm.

1. Quy định nghĩa vụ trợ cấp nuôi con sau ly hôn theo pháp luật hiện hành

Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: 

Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.

Thêm vào đó, khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân gia đình 2014 cũng nêu rõ rằng: Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Từ đó, có thể xác định nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn thuộc về người không trực tiếp nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng này sẽ kéo dài đến khi người con đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình.

2. Quy định về mức trợ cấp nuôi con sau ly hôn

quy định về mức trợ cấp nuôi con sau ly hôn

Quy định về mức trợ cấp nuôi con sau ly hôn (Ảnh minh họa)

Điều 116 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định: Mức cấp dưỡng có thể được thỏa thuận giữa người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó.

Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào:

+ Thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng

+ Và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng;

Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Tức là người không trực tiếp nuôi con có thể thỏa thuận mức cấp dưỡng với con hoặc với người đang trực tiếp nuôi con.

Hiện nay, chưa có văn bản quy định cụ thể mức trợ cấp nuôi con sau khi ly hôn nên để xác định mức trợ cấp cụ thể Tòa án thường căn cứ vào chứng từ, hóa đơn,... liên quan đến chi phí hợp lý để nuôi dưỡng, chăm sóc con và thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng.

3. Không thực hiện trợ cấp nuôi con sau ly hôn bị xử lý thế nào?

Trên thực tế sau khi ly hôn có rất nhiều người trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, không thực hiện cấp dưỡng nuôi con. Điều này tưởng chừng bình thường vì không có ai giám sát, xử lý, tuy nhiên, theo điểm a khoản 3 Điều 64 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định thì nếu việc cấp dưỡng đã được quy định cụ thể tại bản án, quyết định ly hôn mà chồng hoặc vợ không thực hiện thì có thể bị phạt từ 03-05 triệu đồng.

Đồng thời với trường hợp từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng khiến con lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị phạt đến 02 năm tù giam (quy định tại Điều 186 Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017)

4. Thay đổi mức trợ cấp nuôi con sau ly hôn được không?

Về vấn đề thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con thì pháp luật hoàn toàn cho phép các bên thay đổi mức cấp dưỡng. Nếu tình hình kinh tế khó khăn, mức thu nhập của bên cấp dưỡng không còn thực hiện được việc cấp dưỡng thì có thể thỏa thuận giảm số tiền cấp dưỡng. Ngược lại, nếu nhu cầu thiết yếu của con tăng lên, người cấp dưỡng có đủ điều kiện thì hai bên có thể thỏa thuận tăng mức cấp dưỡng. Nội dung này được quy định tại Khoản 2 Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình cụ thể như sau:

Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trường hợp nếu có tranh chấp về mức cấp dưỡng thì các bên sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi đó, Tòa án sẽ căn cứ vào lý do chính đáng mà các bên đưa ra để xem xét, quyết định có đồng ý yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng của các bên không.

5. Phải làm sao để yêu cầu cấp dưỡng sau ly hôn?

Khi việc cấp dưỡng đã được quy định trong bản án, quyết định ly hôn mà người có nghĩa vụ không thực hiện thì người còn lại có thể thực hiện biện pháp như: yêu cầu thi hành án để người có nghĩa vụ cấp dưỡng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của mình.

Ngoài ra, vợ/chồng - người trực tiếp nuôi con còn có quyền khởi kiện đòi tiền cấp dưỡng từ đối phương. Thủ tục khởi kiện được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2017.

Trên đây là toàn bộ nội dung về trợ cấp nuôi con sau ly hôn và quy định về cấp dưỡng nuôi con. Nếu có bất cứ thắc mắc gì vui lòng liên lạc lại với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.


Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy!

Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa.

Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất!