Trước khi thành lập doanh nghiệp, các cá nhân, tổ chức cần xác định mình có thuộc đối tượng không được thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 hay không. Vậy những đối tượng không được thành lập doanh nghiệp theo quy định hiện hành là những đối tượng nào?
1. Những đối tượng không được thành lập doanh nghiệp
Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020, sẽ có 09 đối tượng không được thành lập doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp, cụ thể gồm:
(1) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.
(2) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
(3) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
(4) Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam.
Lưu ý: Người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước thì vẫn có quyền quản lý doanh nghiệp.
(5) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật Doanh nghiệp 2020.
Lưu ý: Người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác thì vẫn có quyền quản lý doanh nghiệp.
(6) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
(7) Tổ chức không có tư cách pháp nhân.
(8) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Lưu ý: Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.
(09) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Như vậy, so với Luật Doanh nghiệp 2014 (hết hiệu lực từ ngày 01/01/2021) thì Luật Doanh nghiệp 2020 đã bổ sung thêm nhiều đối tượng không được thành lập doanh nghiệp, gồm:
- Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp);
- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
- Người đang bị tạm giam;
- Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Những đối tượng không được thành lập doanh nghiệp năm 2022 (Ảnh minh họa)
2. Những đối tượng bị hạn chế quyền góp vốn vào doanh nghiệp
Bên việc quy định những đối tượng không được thành lập doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng quy định về những đối tượng bị hạn chế quyền góp vốn vào danh nghiệp, cụ thể, các tổ chức, cá nhân có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, trừ các trường hợp:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp để thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
- Đối tượng không được góp vốn vào doanh nghiệp theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Như vậy, ngoại trừ các đối tượng không được thành lập doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp đã được nêu phía trên thì các tổ chức, cá nhân đều có quyền thành lập doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020. Tức, mọi cá nhân là người Việt Nam hoặc người nước ngoài không phân biệt quốc tịch và nơi cư trú cũng như các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, không phân biệt nơi đăng ký địa chỉ trụ sở chính nếu không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 17 của Luật Doanh nghiệp 2020 thì đều có quyền thành lập doanh nghiệp hoặc tham gia thành lập góp vốn doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy! Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa. Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất! |