Hiện nay, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động vẫn còn tồn đọng khá nhiều gây khó khăn cho cơ quan nhà nước và ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Vậy theo quy định, những doanh nghiệp trốn đóng BHXH sẽ bị xử phạt thế nào?
1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc là gì?
Tại khoản 1, 2 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã giải thích rõ khái niệm về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:
- Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
- Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia.
Như vậy, có thể hiểu bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại bảo hiểm xã hội mà trong đó cả người lao động và người sử dụng lao động đều bắt buộc phải tham gia theo quy định nhà nước.
2. Những ai phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc?
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Nghị định 143/2018/NĐ-CP thì đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm người lao động (gồm người lao động là công dân Việt Nam và người lao động là người nước ngoài) và người sử dụng lao động. Trong đó, người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động bao gồm:
(1) Đối với trường hợp sử dụng người lao động là công dân Việt Nam
Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm các đối tượng sau đây có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân.
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác.
- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân.
(2) Đối với trường hợp sử dụng người lao động là người nước ngoài
Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm các đối tượng sau đây có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác.
- Cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân được phép hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.
3. Doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động bị xử phạt thế nào?
Xử phạt doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (Ảnh minh họa)
Hành vi doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Cũng tại Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
- Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
- Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
- Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
- Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.
Theo đó, trường hợp doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là hành vi vi phạm quy định pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm a, Khoản 7, Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:
Điều 39. Vi phạm quy định về đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp
...
7. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
...
Ngoài mức phạt tiền tối đa lên đến 75.000.000 đồng, doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
- Buộc đóng đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Buộc nộp khoản tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trên đây là mức phạt hành chính đối với doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động. Các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý để tránh vi phạm và bị xử phạt trong quá trình hoạt động.
Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy! Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa. Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất! |