Trốn thuế là thực trạng không còn quá xa lạ, hành vi trốn thuế ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc gia. Vậy cá nhân, doanh nghiệp trốn thuế sẽ bị xử lý như thế nào? Tất cả sẽ có trong bài viết này.

1. Trốn thuế là gì?

Hiện nay trong các văn bản quy phạm pháp luật không có nơi nào quy định cụ thể nào về khái niệm trốn thuế chính xác tuy nhiên dựa vào hành vi có thể xác định: Trốn thuế là việc mà một cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào đó thực hiện các phương thức để giảm số thuế phải nộp mà pháp luật không cho phép. Cá nhân, doanh nghiệp có thực hiện hành vi trốn thuế thì đều xem là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính hoặc nghiêm trọng hơn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Các hành vi trốn thuế của doanh nghiệp

các hành vi trốn thuế của doanh nghiệp

Các hành vi trốn thuế của doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Hành vi trốn thuế gian lận khi nộp thuế được quy định tại điều 143 Luật quản lý thuế 2019 cụ thể như sau:

- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của Luật này.

- Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp.

- Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán.

- Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.

- Sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp.

- Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan.

- Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

- Cấu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế.

- Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.

- Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan quản lý thuế.

3. Ví dụ về trốn thuế

Hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân được thể hiện thông qua các thủ đoạn:

- “Thủ đoạn” thay đổi chủ thể của giao dịch – thủ đoạn trốn thuế thu nhập cá nhân;

- Thủ đoạn trốn thuế TNCN bằng cách chuyển đổi giao dịch. Những người thu nhập cao luôn có các chiêu thức để giảm đóng thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể cá nhân sẽ hướng đến các khoản thu nhập được miễn thuế và né tránh các khoản thu nhập chịu thuế được quy định trong Luật Thuế thu nhập cá nhân. Trong đó thủ đoạn thành lập doanh nghiệp để hợp thức hóa chi phí hợp lý là hành vi cá nhân hay làm nhất mà theo như thuật ngữ thường mà người dân hay biết là thành lập công ty, cửa hàng, quá xá để “rửa tiền";

- Thực hiện thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt. Tức cá nhân sẽ thực hiện thanh toán tiền lương, tiền công và các thu nhập khác thông qua tiền mặt chứ không sử dụng phương thức thanh toán chuyển khoản. Bởi nếu như nhận tiền lương, tiền công qua tài khoản ngân hàng, thì việc kiểm tra thu nhập sẽ rất dễ dàng cho cơ quan thuế, chỉ cần kiểm tra qua ngân hàng, khiến cho các cá nhân khó có thể gian lận. Tuy nhiên, ngược lại, thực tế đa số các đơn vị trả lương bằng tiền mặt, khiến cơ quan thuế khó xác định được chính xác thu nhập tính thuế, nên càng tạo điều kiện cho các cá nhân trốn thuế.

Hành vi trốn thuế thu nhập doanh nghiệp được thể hiện thông qua các thủ đoạn:

- Doanh nghiệp thực hiện hành vi trốn thuế bằng cách bán hàng không xuất hóa đơn. Theo đó, khi xuất hóa đơn doanh nghiệp kê khai giảm giá trị hàng bán thấp hơn so với giá trị thực tế mà khách hàng thanh toán hành động này được thực hiện chủ yếu đối với tài sản có giá trị như ô tô, nhà, đất, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử;

- Kê khai không đủ hoặc kê khai sai thuế GTGT;

- Doanh nghiệp thực hiện hành vi trốn thuế thu nhập doanh nghiệp bằng cách kê khai lỗ nhiều năm. Thực hiện bằng phương thức kê khai chi phí đầu vào cao, đặc biệt đối với nguyên liệu nhập khẩu, trong khi giá bán xuất khẩu thấp hơn nhiều, từ đó tạo ra lỗ nhưng thực chất là dòng tiền vẫn chuyển động giữa các công ty thành viên, công ty mẹ - con. Tình trạng trốn thuế này diễn ra nhiều ở doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ như vụ Coca Cola trốn thuế bằng hình thức trên và đã bị cơ quan thuế truy thu 821 tỉ đồng, hay Heineken trốn thuế cũng bị truy thu 916 vào năm 2018. Điều này đã phần nào cảnh báo và ngăn chặn các ông lớn có ý tưởng dùng thủ đoạn này để trốn thuế.

4. Hành vi trốn thuế bị xử lý như thế nào?

4.1. Xử phạt hành chính:

Khi cá nhân có hành vi trốn thuế thu nhập cá nhân hoặc doanh nghiệp có hành vi trốn thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng chưa đến mức bị xử lý hình sự thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Theo đó, mức xử phạt hành chính như sau:

- Phạt tiền bằng số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi trốn thuế nêu trên.

- Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế nêu trên mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;

- Phạt tiền 02 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế mà có một tình tiết tăng nặng.

- Phạt tiền 2,5 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế mà có hai tình tiết tăng nặng.

- Phạt tiền 03 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi trốn thuế mà có ba tình tiết tăng nặng trở lên.

Ngoài ra, cá nhân, doanh nghiệp trốn thuế còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước;

- Trường hợp hành vi trốn thuế theo quy định đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn;

- Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có)…

4.2. Xử lý hình sự

Trốn thuế có bị đi tù không? Trốn thuế lên đến bao nhiêu tiền thì bị xử lý hình sự là câu hỏi mà nhiều cá nhân và doanh nghiệp quan tâm. Theo đó cá nhân, doanh nghiệp có hành vi trốn thuế cũng có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 200 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cụ thể:

Mức phạt đối với cá nhân:

- Người thực hiện hành vi trốn thuế với số tiền từ 100 - dưới 300 triệu đồng; hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng trước đó đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc bị phạt tù về một trong các tội theo quy định mà chưa được xóa án tích thì bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng - 01 năm.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: Có tổ chức; Số tiền trốn thuế từ 300 triệu đồng - dưới 01 tỷ đồng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Phạm tội 02 lần trở lên; Tái phạm nguy hiểm sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng - 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 - 03 năm.

- Phạm tội trốn thuế với số tiền từ 01 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 1,5 - 4,5 tỷ đồng; hoặc phạt tù từ 02 - 07 năm

Mức phạt đối với doanh nghiệp (cá nhân thương mại):

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Trốn thuế từ 200 - dưới 300 triệu đồng; hoặc từ 100 - dưới 200 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về Tội trốn thuế hoặc về một trong các tội: Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm,… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 300 triệu - 01 tỷ đồng.

- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Số tiền trốn thuế từ 300 triệu đồng - dưới 01 tỷ đồng; Phạm tội 02 lần trở lên; Tái phạm nguy hiểm sẽ bị phạt tiền từ 01 - 03 tỷ đồng.

- Phạm tội trốn thuế với số tiền từ 01 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 03 - 10 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng - 03 năm.

5. Hậu quả của việc trốn thuế

Trốn thuế là một hiện tượng diễn ra phổ biến ở hầu hết các quốc gia cũng như tại Việt Nam. Trốn thuế tác động tiêu cực đến nền kinh tế, gây ra bất bình đẳng xã hội, làm xói mòn cơ sở thuế và thất thu ngân sách.

Và cuộc chiến chống lại các hành vi gian lận thuế là một cuộc chiến dai dẳng và phức tạp đòi hỏi cơ quan quản lý thuế phải dành nhiều thời gian, công sức để tiến hành nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách quốc gia.

6. Phân biệt trốn thuế và tránh thuế

Nói đến đây thì nhiều người vẫn còn nhập nhằng và không hiểu khái niệm giữa hành vi trốn thuế và tránh thuế. Theo đó:

Trốn thuế: là một hoạt động bất hợp pháp trong đó cá nhân hoặc tổ chức cố tình tránh phải trả một nghĩa vụ thuế thực sự. Những người bị bắt vì tội trốn thuế thường phải chịu các cáo buộc hình sự và hình phạt đáng kể.

Tránh thuế: là việc sử dụng các phương pháp hợp pháp để sửa đổi tình hình tài chính của một cá nhân để giảm số tiền thuế thu nhập phải nộp. Việc sửa đổi này thường được thực hiện dưới dạng yêu cầu được ghi nhận các khoản khấu trừ thuế và nợ hợp pháp. Hành động này khác với việc trốn thuế bằng cách sử dụng các phương pháp bất hợp pháp, như ghi giảm thu nhập.

Như vậy: Trốn thuế là hành vi giấu thông tin mà lẽ ra phải cung cấp cho cơ quan nhà nước, tạo ra thông tin không có thật. Còn tránh thuế là chủ động nghiên cứu, phân tích tận dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước về quy định thuế.


Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy!

Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa.

Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

 Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất!