Hiện nay, nhu cầu tuyển người lao động đang tăng cao khi có nhiều nơi thiếu hụt nhân công trầm trọng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp sử dụng người lao động chưa thành niên vào làm việc để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên vì đây là đối tượng đặc biệt nên người sử dụng lao động cũng cần lưu ý khi sử dụng đúng pháp luật. 

1. Thế nào là người lao động chưa thành niên?

Theo khoản 1 Điều 143 Bộ luật Lao động 2019 quy định về lao động chưa thành niên như sau:

Lao động chưa thành niên là người lao động chưa đủ 18 tuổi.

Như vậy, người lao động chưa thành niên là người lao động dưới 18 tuổi. Pháp luật quy định như vậy bởi lẽ trong độ tuổi này các em chưa phát triển toàn diện về thể lực lẫn trí lực, dễ bị tác động từ môi trường khách quan nên pháp luật xây dựng những quy định riêng để bảo vệ cho người lao động chưa thành niên có điều kiện phát triển tốt nhất. 

2. Nguyên tắc sử dụng người lao động chưa thành niên là gì?

Theo Điều 144 Bộ luật Lao động 2019 quy định về 04 nguyên tắc sử dụng người lao động chưa thành niên, cụ thể:

- Lao động chưa thành niên chỉ được làm công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách;

- Người sử dụng lao động khi sử dụng lao động chưa thành niên có trách nhiệm quan tâm chăm sóc người lao động về các mặt lao động, sức khỏe, học tập trong quá trình lao động;

- Khi sử dụng lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu;

- Người sử dụng lao động phải tạo cơ hội để lao động chưa thành niên được học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Do đó, người sử dụng lao động cần lưu ý 04 nguyên tắc trên để sử dụng người lao động chưa thành niên hợp pháp. 

3. Quy định về thời gian làm việc của người lao động chưa thành niên như thế nào?

Theo Điều 146 Bộ luật Lao động 2019 quy định cụ thể về thời gian làm việc của người lao động chưa thành niên như sau:

Thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

2. Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Theo đó, người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên làm việc trong khoảng thời gian sau:

(1) Lao động chưa đủ 15 tuổi:

+ Không quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần.

+ Không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

(2) Lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi:

+ Không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần.

+ Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục được quy định.

4. Quy định về việc sử dụng người lao động chưa đủ 15 tuổi làm việc như thế nào?

quy định về việc sử dụng người lao động chưa đủ 15 tuổi làm việc như thế nào

Quy định về việc sử dụng người lao động chưa đủ 15 tuổi làm việc như thế nào? (Ảnh minh họa)

Khi sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc, người sử dụng lao động phải tuân theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Lao động 2019, cụ thể:

- Phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;

- Bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi;

- Phải có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc và tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất một lần trong 06 tháng;

- Bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.

Người sử dụng lao động chỉ được tuyển dụng và sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi vào làm các công việc nhẹ theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi và phải có sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

5. NSDLĐ không được sử dụng lao động chưa thành niên trong những trường hợp nào?

Theo Điều 147 Bộ luật Lao động 2019 quy định về công việc, nơi làm việc mà người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi cụ thể như sau: 

5.1. Công việc cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi 

- Mang, vác, nâng các vật nặng vượt quá thể trạng của người chưa thành niên;

- Sản xuất, kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần hoặc chất gây nghiện khác;

- Sản xuất, sử dụng hoặc vận chuyển hóa chất, khí gas, chất nổ;

- Bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc;

- Phá dỡ các công trình xây dựng;

- Nấu, thổi, đúc, cán, dập, hàn kim loại;

- Lặn biển, đánh bắt thủy, hải sản xa bờ;

- Công việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên.

5.2. Nơi làm việc cấm sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi

- Dưới nước, dưới lòng đất, trong hang động, trong đường hầm;

- Công trường xây dựng;

- Cơ sở giết mổ gia súc;

- Sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở tắm hơi, cơ sở xoa bóp; điểm kinh doanh xổ số, dịch vụ trò chơi điện tử;

- Nơi làm việc khác gây tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa thành niên.

6. NSDLĐ vi phạm quy định về lao động chưa thành niên thì có bị xử phạt không?

Theo Điều 29 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về  việc xử lý vi phạm quy định về lao động chưa thành niên như sau:

(1) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không lập sổ theo dõi riêng hoặc có lập sổ theo dõi riêng nhưng không ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 144 Bộ luật Lao động 2019 khi sử dụng lao động chưa thành niên hoặc không xuất trình sổ theo dõi khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.

(2) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

- Sử dụng lao động chưa thành niên mà chưa có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên đó;

- Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm việc mà: giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó; bố trí thời giờ làm việc ảnh hưởng đến thời gian học tập của người chưa đủ 15 tuổi; không có giấy khám sức khỏe của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền xác nhận sức khỏe của người chưa đủ 15 tuổi phù hợp với công việc; không tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần trong 06 tháng hoặc không bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi;

- Sử dụng lao động chưa thành niên làm việc quá thời giờ làm việc quy định tại Điều 146 Bộ luật Lao động 2019;

- Sử dụng người chưa đủ 15 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm;

- Sử dụng người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc vào ban đêm trong những nghề, công việc không được pháp luật cho phép.

(3) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

- Sử dụng người từ 13 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại khoản 3 Điều 143 Bộ luật Lao động 2019;

- Sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc ngoài danh mục được pháp luật cho phép theo quy định tại khoản 3 Điều 145 Bộ luật Lao động 2019 hoặc sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm công việc được pháp luật cho phép mà chưa được sự đồng ý của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc bị cấm hoặc làm việc tại nơi làm việc bị cấm quy định tại Điều 147 Bộ luật Lao động 2019 nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Lưu ý: Trên đây là mức phạt đối với cá nhân còn đối với tổ chức sẽ gấp 02 lần so với cá nhân. 


Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy!

Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa.

Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất!