Với sự phát triển của mạng internet hiện nay, các đối tượng lừa đảo sẽ lợi dụng sự sơ hở của người dân và thực hiện hành vi lừa đảo tiền qua mạng. Vậy cần phải làm gì khi bị lừa đảo tiền qua mạng xã hội? Lừa đảo tiền qua mạng bị xử lý như thế nào?
1. Lừa đảo qua mạng là gì?
Lừa đảo qua mạng là hành vi dùng những thủ đoạn gian dối nhằm đánh lừa người khác để mưu lợi, chiếm đoạt tài sản hoặc để đạt mục đích khác thông qua mạng máy tính, mạng internet và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, hay qua Email,...
Lừa đảo qua mạng là hình thức phạm tội phổ biến trên mạng bởi tính hiệu quả của nó. Tội phạm mạng sử dụng các thủ đoạn gian dối để giấu nội dung sai sự thật và làm cho người khác tin tưởng là thật mà yêu cầu mọi người cung cấp thông tin cá nhân của mình và giao tiền, tài sản cho đối tượng lừa đảo.
2. Một số thủ đoạn lừa tiền qua mạng
Các thủ đoạn lừa đảo rất đa dạng, hình thức lừa đảo qua mạng xã hội thường được sử dụng như dùng giấy tờ giả mạo, giả danh cơ quan Nhà nước, lợi dụng danh nghĩa ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng. Sau đây là một số thủ đoạn lừa tiền qua mạng phổ biến:
-
Đối tượng lừa đảo chiếm quyền kiểm soát tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo,... của người bị hại và sử dụng tài khoản này mạo danh để nhắn tin với người thân, bạn bè, đồng nghiệp của chủ tài khoản đề nghị họ chuyển tiền, nạp tiền điện thoại theo hướng dẫn và bị chiếm đoạt số tiền.
-
Đối tượng lừa đảo có thể nhắn tin hoặc gọi điện thông báo người bị hại đã trúng giải thưởng có giá trị lớn hoặc yêu cầu đóng góp tiền ủng hộ từ thiện, quỹ người nghèo, tàn tật bằng phương thức chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng xấu và sau đó sẽ bị chiếm đoạt số tiền đó.
-
Giả danh, lợi dụng danh nghĩa của ngân hàng để gửi tin nhắn hoặc gọi điện thông báo có người chuyển tiền nhưng bị lỗi, yêu cầu người bị hại cung cấp mã số thẻ, OTP, sau đó đối tượng lừa đảo sẽ đăng nhập vào tài khoản và rút tiền của người bị hại.
-
Giả mạo đăng tin tuyển cộng tác viên trên Facebook để xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada,.. đối tượng lừa đảo yêu cầu chuyển tiền mua hàng sau đó sẽ chuyển lại tiền gốc cộng với hoa hồng để lấy lòng tin của người bị hại, sau đó khi có những đơn hàng lớn hơn, nạn nhân đã nhận được hàng thì các đối tượng xấu này sẽ chiếm đoạt tiền và chặn liên hệ
-
Tạo các tài khoản mạng xã hội để bán thiết bị y tế, chống dịch và yêu cầu người bị hại đặt cọc hoặc thanh toán trước sau đó chúng sẽ chặn liên hệ, đổi số điện thoại để nạn nhân không liên lạc được và chiếm đoạt số tiền đã nhận được.
3. Cần làm gì khi bị lừa đảo tiền qua mạng xã hội?
Cần làm gì khi bị lừa đảo tiền qua mạng xã hội? (Ảnh minh họa)
Khi chẳng may bị lừa đảo qua mạng, để xử lý đối tượng lừa đảo và lấy lại số tiền bị lừa, người bị hại cần làm các việc sau đây:
-
Thu thập tất cả các thông tin như nội dung tin nhắn, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng lừa đảo và các minh chứng khác để làm chứng cứ tố giác với cơ quan chức năng;
-
Sau khi có đầy đủ thông tin, chứng cứ chứng minh việc lừa đảo, người bị hại nên nhanh chóng trình báo với cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết;
-
Người bị hại có thể tố giác hành vi lừa đảo bằng 02 cách tố giác sau đây:
3.1. Tố giác trực tiếp
Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố cụ thể như sau:
- Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
- Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
Như vậy, mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Bạn hãy tiến hành báo cáo cho cơ quan hành pháp tại địa phương, tại cơ quan điều tra công an cấp huyện; hoặc Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện tại nơi cư trú của bạn và yêu cầu trình báo tố giác về tội phạm để được giải quyết trực tiếp.
Hồ sơ làm đơn tố giác để gửi đến cơ quan Công an mà người tố giác cần phải chuẩn bị:
-
Đơn trình báo công an;
-
CMND/CCCD/Hộ chiếu của người bị hại (bản sao có công chứng);
-
Sổ hộ khẩu của người bị hại (bản sao có công chứng);
-
Chứng cứ kèm theo để chứng minh (hình ảnh, video, ghi âm,... có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội).
Trong trường hợp người tố giác tới tố giác trực tiếp tại cơ quan Công an cũng cần phải mang theo CMND/CCCD và chứng cứ kèm theo để cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông tin tố giác.
3.2. Gọi điện thoại trực tiếp qua đường dây nóng của cơ quan Công an
Bạn có thể trực tiếp gửi các tình huống lừa đảo trực tuyến, các đường link hoặc nghi ngờ là lừa đảo đến các địa chỉ sau đây:
-
Đường dây nóng 113;
-
Đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: 069.219.4053 - Cục Cảnh sát hình sự;
-
Địa chỉ https://canhbao.ncsc.gov.vn./#!/ của Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam;
-
Đối với người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân có thể gọi đến số điện thoại đường dây nóng 08.3864.0508 để thông tin, trình báo về chiếm đoạt tài sản, lừa đảo qua mạng.
4. Lừa đảo tiền qua mạng bị xử lý như thế nào?
4.1. Xử phạt hành chính
Căn cứ theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác, cụ thể là các hành vi sau đây:
- Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản;
- Công nhiên chiếm đoạt tài sản;
- Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;
- Không trả lại tài sản cho người khác do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng nhưng sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản;
- Thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Như vậy, đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản qua mạng có thể sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
4.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
Người nào dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
-
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
-
Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
-
Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
-
Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.
Người phạm tội bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm thuộc các trường hợp phạm tội sau đây:
-
Có tổ chức;
-
Có tính chất chuyên nghiệp;
-
Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
-
Tái phạm nguy hiểm;
-
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
-
Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
-
Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.
Người phạm tội bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm thuộc các trường hợp phạm tội sau đây:
-
Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
-
Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
-
Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Người phạm tội bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân khi thuộc các trường hợp phạm tội sau đây:
-
Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
-
Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;
-
Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
5. Biện pháp phòng tránh lừa đảo qua mạng
Để không bị mắc bẫy lừa đảo mất tiền qua mạng, bạn cần phải trang bị cho bản thân mình kiến thức cũng như những hiểu biết cơ bản về các thủ đoạn lừa gạt tiền qua mạng, chủ động tìm hiểu thông tin về các chiêu trò lừa đảo đồng thời lưu ý một số biện pháp phòng tránh lừa đảo qua mạng sau đây:
-
Không cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân hoặc đăng tải lên mạng xã hội.
-
Không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi chưa biết họ là ai và sử dụng vào mục đích gì.
-
Không thực hiện các yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội, kể là của người thân, bạn bè.
-
Trước khi chuyển tiền cho người thân hoặc bạn bè, cần gọi điện thoại cho người đó trước, xác nhận lại nội dung chuyển tiền.
-
Cẩn trọng với các cuộc điện thoại từ số máy lạ, đặc biệt là các số máy có đầu số nước ngoài.
-
Không mua, bán, cho mượn Giấy chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân, tài khoản cá nhân, tài khoản ngân hàng, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, phát.
-
Không tin vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng với yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.
-
Không được sử dụng số tiền “chuyển nhầm” vào việc chi tiêu cá nhân, chỉ nên làm việc và liên lạc với ngân hàng để giải quyết vấn đề.
-
Không để các đối tượng lôi kéo, dụ dỗ tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, sàn giao dịch ngoại hối, tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
-
Không cung cấp tên đăng nhập (username), mật khẩu truy cập/mã PIN Internet banking, mã OTP cho người khác, ngay cả khi nhận được yêu cầu từ nhân viên ngân hàng.
-
Không nhập tên đăng nhập, mật khẩu truy cập/mã PIN Internet banking, mã OTP, số tài khoản…của mình vào trang web hoặc liên kết khác với những trang web chính thống của ngân hàng đã và đang sử dụng.
-
Không nên truy cập vào các đường link lạ hoặc file không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội như Facebook, Zalo,...
-
Thường xuyên thay đổi mật khẩu cho các tài khoản mạng xã hội.
-
Kiểm tra rõ các thông tin về tin tuyển dụng CTV việc nhẹ, lương cao, không chuyển tiền đặt cọc theo yêu cầu khi chưa xác định được phía nhà tuyển dụng có đáng tin cậy hay không.
Có thể thấy internet hiện nay đang ngày càng phát triển điều này làm sự xuất hiện hình thức lừa đảo qua mạng ngày càng nhiều, chính vì thế chúng ta cần phải cẩn trọng, luôn nâng cao cảnh giác và làm theo các khuyến cáo để không bị rơi vào tình huống lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.
Luatsu.com - Nền tảng kết nối dịch vụ pháp lý toàn quốc dễ dàng, tin cậy! Luatsu.com được biết đến với tư cách là đơn vị hàng đầu trong kết nối chủ động với các Luật sư uy tín, chuyên nghiệp trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ pháp lý tiêu chuẩn, tiện lợi, nhanh chóng;… và hơn thế nữa. Luatsu.com cam kết mang đến cho khách hàng sự lựa chọn tốt nhất với đội ngũ Luật sư giàu kinh nghiệm, và thành tựu trong việc tư vấn pháp lý và tranh tụng trong các lĩnh vực như: hôn nhân gia đình, đất đai, di chúc - thừa kế, doanh nghiệp, lao động, sở hữu trí tuệ,... đã và đang nhận được sự tín nhiệm, đánh giá cao từ rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Hãy gọi ngay cho Luatsu.com qua HOTLINE: 1900 633437 hoặc để lại thông tin đăng ký để được chúng tôi hỗ trợ nhanh chóng và kịp thời nhất! |